Bộ Y tế đang soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Dược sửa đổi...

12-12-2023 06:11 | Y tế

SKĐS - Hiện nay Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Thiết bị, Luật Dược sửa đổi… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội; Cùng đó, Bộ cũng triển khai nhiều hoạt động liên quan đến y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Thông tin về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, đây là Nghị quyết được triển khai rất nhanh. Chính phủ đã chủ động tất cả các hồ sơ để triển khai Nghị quyết này.

Dẫn chứng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, bố trí các nội dung, ví dụ như: Liên quan đến kinh phí mua vaccine phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, Chính phủ đã bổ sung 550 tỷ năm 2023 giao cho Bộ Y tế mua vaccine… Hiện nay Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Thiết bị, Luật Dược sửa đổi… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội.

Bộ Y tế đang soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Dược sửa đổi...- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội.

Đối với Luật Dược hiện đang được Bộ Y tế lấy ý kiến công khai các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Với Luật BHYT sửa đổi, thời gian qua, Bộ Y tế liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp chuyên gia để tham vấn, nghe ý kiến về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, đề xuất mới của dự Luật này đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.

Mới đây, nhất để triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết 99 cuả Quốc hội, Bộ Y tế đã tổ chức khởi động Hợp phần I - Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn". Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trên bình diện toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là sự lựa chọn thông minh giúp các hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" sử dụng vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với thời gian triển khai thực hiện từ 2019 đến 2025, với các can thiệp cốt lõi quan trọng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực y tế, hỗ trợ việc đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế và cơ chế tài chính cho y tế cơ sở… tại 16 tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, đây được xem là một chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế trong việc từng bước nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đồng thời cũng là nguồn lực cần thiết để các tỉnh, thành phố được thụ hưởng dự án thực hiện các nội dung liên quan đến y tế cơ sở theo tinh thần của Chỉ thị 25 và Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội trong điều kiện ngân sách còn chưa dồi dào.

Bộ Y tế đang soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật BHYT sửa đổi, Luật Dược sửa đổi...- Ảnh 2.

Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn của Bộ Y tế, chương trình có đặc thù là quy mô nguồn vốn lớn (tổng số vốn là 110,6 triệu USD, bao gồm 88,6 triệu USD vốn vay, 12 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại và 10 triệu USD vốn đối ứng), được triển khai trên địa bàn rộng (16 tỉnh trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) bao gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau.

Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội nêu rõ: Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vaccine và thuốc điều trị trong nước; bảo đảm thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong cả nước; tăng cường năng lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong việc ứng phó với dịch bệnh.

Tại Nghị quyết 99/2023/QH15, Quốc hội đã yêu cầu thực hiện việc tăng mức đóng BHYT phải theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân; Đồng thời nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả tương ứng với mức BHYT; Giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT...

Chi phí BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh phải tự mua thuốc tính thế nào?Chi phí BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh phải tự mua thuốc tính thế nào?

SKĐS - Dự thảo Thông tư về việc BHYT thanh toán tiền thuốc khi người bệnh phải tự mua đã được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và nhân dân nhằm sớm ban hành, đưa vào thực hiện để giải quyết một trong những tình huống thực tiễn của khám chữa bệnh và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.


Thái Bình
Ý kiến của bạn