Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Thực trạng và thách thức trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh" do Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức chiều 28/4.,
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, kiến nghị những biện pháp từng bước tháo gỡ những vướng mắc để hướng tới mục tiêu xây dựng được định mức kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, năm 2005, Bộ Y tế đã có Quyết định 23/2005/QĐ-BYT ban hành quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh với 2.989 kỹ thuật. Cùng với sự tiến bộ của y học thế giới, thực hiện Luật Khám chữa bệnh, năm 2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư 43/2013/TT-BYT với 17.216 kỹ thuật và năm 2017 ban hành Thông tư số 21/2017/TT-BYT bổ sung 1.028 kỹ thuật thuộc 28 chuyên khoa, chuyên ngành.
Trên cơ sở danh mục kỹ thuật được ban hành, Bộ Y tế đã ban hành trên 1.300 hướng dẫn chẩn đoán điều trị và trên 7.500 quy trình kỹ thuật. Trên cơ sở đó đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ kỹ thuật.
Đối với các hướng dẫn chưa được Bộ Y tế ban hành, các bệnh viện xây dựng và phê duyệt áp dụng tại bệnh viện. Một số hướng dẫn và quy trình kỹ thuật ít phổ biến, chỉ thực hiện ở một số cơ sở tuyến cuối và đã được các cơ sở tuyến cuối phê duyệt áp dụng dựa trên các hướng dẫn quốc tế.
Trong quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập và có những biện pháp khắc phục những bất cập. "Tuy nhiên các văn bản liên quan mật thiết với nhau do đó khi sửa đổi, xây dựng mới văn bản này sẽ kéo theo các văn bản liên quan, nếu không làm đồng bộ sẽ không thay thế được văn bản cũ và gây khó khăn khi thực hiện"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các bệnh viện trực thuộc, bộ danh mục kỹ thuật hiện nay cơ bản đã thống nhất làm căn cứ cho việc triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới việc xây dựng danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật là công việc khó khăn cần có cơ quan chuyên trách với lực lượng các chuyên gia lớn mới có thể đảm nhiệm được.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện chưa có cơ quan chuyên trách đảm nhiệm nhiệm vụ này, Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện phối hợp để triển khai do không đầu tư được thời gian, kinh phí và nhân lực có kiến thức về xây dựng định mức nên công việc này gặp nhiều khó khăn.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước quốc tế, các chuyên gia lâm sàng, đại diện các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đã thảo luận các vấn đề cụ thể về: Danh mục và nhóm dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh; lựa chọn kỹ thuật trong nhóm kỹ thuật hay từng kỹ thuật trong nhóm cần xây dựng đinh mức kinh tế - kỹ thuật (Giai đoạn 1 ưu tiên xây dựng đinh mức kinh tế kỹ thuật cho các kỹ thuật chưa có giá; Giai đoạn 2: rà soát, cập nhật định mức kỹ thuật của các kỹ thuật đã có giá);
Lựa chọn tuyến y tế, số cơ sở mỗi tuyến để tham gia xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó thiết lập/giao đơn vị có kinh nghiệm về kinh tế – y tế thực hiện xây dung đinh mức kinh tế kỹ thuật…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các bệnh viện đầu ngành được giao nhiệm vụ rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật theo nguyên tắc: Lọc các kỹ thuật bị trùng; Loại bỏ những kỹ thuật cũ không còn thực hiện; Bổ sung những kỹ thuật mới đã triển khai nhưng chưa được quy định trong các Thông tư; Gom nhóm kỹ thuật và tham chiếu sơ bộ với nguồn lực tiêu hao để ước tính chi phí giữa các kỹ thuật trong nhóm không chênh lệch quá 10%-15%..