Bộ Y tế cùng 700 đại biểu của các bệnh viện phía Nam trao đổi tháo gỡ 'điểm nghẽn' đấu thầu thuốc

26-11-2023 20:20 | Y tế
google news

SKĐS - Hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng như quy trình thanh toán BHYT trước đây đã được xem xét tháo gỡ và cụ thể hoá trong Luật đấu thầu sửa đổi 2023, có hiệu lực vào 1/1/2024.

Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế đảm bảo công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của người bệnh trong thời gian tới.

Đấu thầu thuốc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Vừa qua, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị thường niên Câu lạc bộ (CLB) Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam lần thứ 21. Hội nghị thu hút hơn 700 cán bộ, lãnh đạo 160 bệnh viện trực thuộc 21 tỉnh, thành phố phía Nam và cả các tỉnh miền Trung, miền Bắc về tham dự.

Tới dự và chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Với nhu cầu của người bệnh ngày càng cao, đòi hỏi sự chuyển mình của ngành y tế để chăm sóc người dân tốt hơn. Công tác quản lý luôn là thách thức đối với các giám đốc bệnh viện, trong đó có vấn đề quản lý tài chính, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, quản lý nhân sự và quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Bộ Y tế rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các giám đốc bệnh viện để cùng nhau thực hiện tốt các nhiệm vụ, chủ trương, chính sách của ngành, từ đó triển khai tại bệnh viện một cách hiệu quả để giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan tới công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư máy móc, thiết bị y tế, thanh quyết toán BHYT,… góp phần xây dựng ngành y tế xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân".

Bộ Y tế cùng 700 đại biểu của các bệnh viện phía Nam trao đổi tháo gỡ 'điểm nghẽn' đấu thầu thuốc- Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cùng các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam năm 2023.

Tại hội nghị, đại diện các bệnh viện cho biết, thời gian qua, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có một số nguyên nhân nổi trội như: Sau dịch COVID-19, do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu, xung đột giữa các quốc gia… làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, khiến cho đơn vị dự thầu bị đứt gãy hàng hoá, có trường hợp phải "bỏ của chạy lấy người". Cơ cấu dịch bệnh thay đổi và diễn biến phức tạp trong khi hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập; việc thực tổ chức thực hiện đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp mua sắm giữa các đơn vị chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Ngân sách tài chính của các bệnh viện công hạn hẹp, thiếu thốn. Hay việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu theo các tiêu chí, quy định cũ không còn phù hợp.

Đối với quy định phân quyền, đại diện một bệnh viện tỉnh chia sẻ: "Trước đây, theo mức phê duyệt cho cấp bệnh viện tuyến tỉnh chỉ được thực hiện các hợp đồng từ một trăm triệu trở xuống. Còn cao hơn một chút (100-200 triệu) là phải Giám đốc Sở, dưới 500 triệu là phải thông qua Sở Tài chính. Từ 500 triệu tới 1 tỷ là thông qua Chủ tịch tỉnh, hơn 1 tỷ là Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Phân quyền như vậy bệnh viện chúng tôi rất khó "xoay sở". Trong trường hợp những gói thầu lớn, nếu như Sở Tài chính hoặc chuyên viên ở trên không thông qua hoặc chậm thông qua thì coi như bệnh viện và bệnh nhân "chịu trận". Thú thực, bản thân tôi phải tự tay ký 50 cái hợp đồng mỗi cái 50 triệu để có thuốc, vật tư phục vụ cho người bệnh, rồi tới đâu thì tới".

"Vừng ơi" đã "mở ra"

Tham dự và chia sẻ nỗi niềm của ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng tại hội nghị, ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, thách thức rất lớn về lĩnh vực đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đã nhận được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương nhằm nỗ lực tập trung tháo gỡ những vướng mắc và mở ra rất nhiều chính sách cho ngành y tế trong Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, có hiệu lực từ 1/1/2024.

Bộ Y tế cùng 700 đại biểu của các bệnh viện phía Nam trao đổi tháo gỡ 'điểm nghẽn' đấu thầu thuốc- Ảnh 2.

Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam năm 2023.

Theo đó, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 với 10 chương, 96 điều quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành hẳn chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Bên cạnh việc điều chỉnh 8 hình thức trong luật trước đây như: Đấu thầu tập trung, chỉ định giá, đàm phán giá, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt …thì lần này chúng ta còn mở rộng thêm 2 hình thức (Đấu thầu ngược và mua sắm trực tuyến) cho các đơn vị. Hay Luật Đấu thầu sửa đổi 2023 cũng phân định rõ các tình huống cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa… cũng như quy định rõ những nội dung hình thức nào phải đấu thầu hay mua sắm theo các hình thức khác.

Luật Đấu thầu sửa đổi 2023, tập trung vào 5 nhóm tiêu chí cơ bản đó là: 

Thứ nhất là các quy định nhằm xác định rõ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong Luật đấu thầu trước đây. Nhóm thứ hai là đơn giản hoá các quyết định thủ tục sát với tình hình hiện nay. Dù rằng, trước đây công tác đấu thầu của chúng ta đã tiếp cận được những tiêu chí quốc tế, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cải cách, tiếp tục cắt giảm thời gian đấu thầu các cách giảm các khâu trung gian đẩy mạnh hình thức đấu thầu qua mạng, để tiến tới việc chuyển đổi số.

Thứ ba là nhóm chính sách nhằm ưu tiên, ưu đãi đối với các hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là sản phẩm đổi mới sáng tạo và các kỹ thuật để thay thế hàng nhập khẩu, thuốc đạt chứng nhận WHO-GMP.

Thứ tư là nhóm chính sách đưa ra để nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong ngành y tế trong đấu thầu của ngành y tế mà thời gian qua đã gặp phải.

Cuối cùng, nhóm chính sách thứ năm, nhằm nâng cao về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu quản lý, phòng chống tham nhũng được quy định cụ thể trong luật đấu thầu sửa đổi 2023 và Bộ Luật Hình Sự 2015. Theo đó, quy định các trách nhiệm của từng bên khi tham gia đấu thầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền, của chủ đầu tư, nhà thầu khi tham gia hoạt động đấu thầu. Những điều được làm và không được làm. Nghiêm cấm hành vi "cài cắm" tạo điều kiện cho một đơn vị nào đó, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.

Trải qua hơn hai năm xây dựng, ngày 23/6/2023, tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua toàn văn dự án Luật đấu thầu sửa đổi với tỷ lệ tán thành và ủng hộ cây dự thảo luật này hơn 93%, 97 đại biểu tham dự "bấm nút". Do đó, các chính sách trong thời gian tới sẽ "mở" rất nhiều cơ hội, tháo gỡ cho ngành y, nhưng cũng quy định rõ ràng trách nhiệm các đơn vị.

"Về cơ bản thì các khó khăn vướng mắc đấu thầu trong y tế đã được nhận diện và xem xét trong Luật đấu thầu sửa đổi 2023 này. Sắp tới cùng với các thông tư hướng dẫn thì chắc chắn là việc đấu thầu y tế sẽ được sẽ hiệu quả hơn", ông Hoàng Cương khẳng định.

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam, hội nghị lần này có ý nghĩa thời sự và thực tiễn cả trong nước cũng như thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo tiêu biểu trình bày về các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp khoa học tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, theo phương châm lấy người bệnh làm trung tâm.

Đặc biệt, hội nghị lần này đã tiếp nhận, lắng nghe chia sẻ từ các đại biểu tham dự, các vấn đề thực tiễn, cấp bách xảy ra trong thời gian qua tại các đơn vị cơ sở, bệnh viện. Qua đó, tổng hợp lại các cái kiến nghị cơ chế chính sách để báo cáo lại với lãnh đạo Bộ Y tế, Chính phủ, Quốc hội và tham mưu cho các cơ quan quản lý cấp cao hơn để giúp cho công tác khám chữa bệnh chính sách cơ chế đấu thầu và ngày càng được thuận lợi để giúp cho người bệnh được chăm sóc tốt hơn.

Tháo "nút thắt" trong đấu thầu thuốc, trung tâm y tế cứu chữa nhiều bệnh nhânTháo 'nút thắt' trong đấu thầu thuốc, trung tâm y tế cứu chữa nhiều bệnh nhân

SKĐS - Những ngày gần đây, Trung tâm y tế Krông Búk (Đắc Lắk) bệnh nhân đến khám và điều trị đông trở lại. Đây là một trong số ít đơn vị y tế tại tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ được nút thắt trong việc thiếu thuốc và vật tư y tế do vướng công tác đấu thầu.


Vinh Nguyên
Ý kiến của bạn