Bộ Y tế chỉ 5 lý do dẫn đến các vụ việc sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả thời gian qua

23-05-2025 18:55 | Y tế

SKĐS - Trong lĩnh vực y tế, nhiều đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng trong số này vẫn có nhiều trường hợp tái phạm do lĩnh vực này đem lại lợi nhuận cao; cùng đó công tác hậu kiểm vẫn còn không ít khó khăn...

Như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, sáng nay ( 23/5), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Vì lợi nhuận mà bất chấp, coi thường sức khỏe của người dân

Phát biểu tại hội nghị này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả lĩnh vực y tế thời gian vừa qua là do lĩnh vực này mang lại lợi nhuận rất cao.

Bộ Y tế chỉ 5 lý do dẫn đến các vụ việc sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả thời gian qua- Ảnh 1.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đô Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng, vấn đề đầu tiên ở đây là ý thức của doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của các văn bản đẩy mạnh phân cấp phân quyền đã vi phạm pháp luật, vì lợi nhuận mà bất chấp, coi thường sức khỏe của người dân, cố tình làm hàng giả đưa ra thị trường với mục đích lợi nhuận.

Khi doanh nghiệp gửi mẫu đi kiểm nghiệm, đi đăng ký thì làm rất tốt, tuy nhiên sau đó vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm làm hàng giả. "Vì lợi nhuận, doanh nghiệp đã bỏ qua phòng kiểm định chất lượng, đưa ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích.

Tiếp đến, thứ hai là vấn đề ý thức của người dân trong tố giác tội phạm còn hạn chế, người dân thấy cơ sở sản xuất, công ty không hề sản xuất mà vẫn có sản phẩm đưa ra thị trường thì cần phải thông báo đến cơ quan chức năng. Cùng đó, người dân có thói quen tiện đâu mua đó , 'cứ tan giờ làm, đi đường thấy là mua mà đôi khi không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng'...

Thứ ba, việc thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn của địa phương còn hạn chế, chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động thanh kiểm tra.

Thứ tư, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý thống nhất kể cả lĩnh vực thuốc, thực phẩm chức năng chưa hoàn thiện nên việc theo dõi giám sát rất khó khăn. Đáng nhẽ các sản phẩm sau khi đã công bố đều phải được tích hợp trên hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan quản lý để giám sát, nhưng hiện cơ quan quản lý chưa có hệ thống quản lý chung nên khó có thể giám sát hết.

Thứ năm, còn một số cán bộ, công chức khi được giao nhiệm vụ đã chưa thực hiện hết đạo đức nghề nghiệp, chức trách nhiệm vụ được giao nên còn để xảy ra một số vi phạm. Vừa qua cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ việc.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị liên quan, Sở Y tế và các đơn vị liên quan của địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế về lĩnh vực này; cùng đó triển khai đẩy mạnh thực hiện tháng cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Cùng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc đến phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhắc lại kêu gọi của Bộ Y tế về việc các nhà khoa học trong ngành y, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, từng làm quản lý hay chuyên môn, không tham gia hoạt động quảng cáo sai quy định, vi phạm pháp luật.

Bộ Y tế chỉ 5 lý do dẫn đến các vụ việc sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả thời gian qua- Ảnh 2.

Các điểm cầu tham dự hội nghị.

Nhiều đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về y tế nhưng vẫn tái phạm do lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao

Liên quan đến các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng, từ điểm cầu TP HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết thêm, thường đối tượng cầm đầu các đường dây không trực tiếp tham gia sản xuất, chỉ đạo nhân viên, thuê nơi sản xuất ở vị trí vắng vẻ, xa trung tâm.

Nhiều đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng nhiều trường hợp vẫn tái phạm do lĩnh vực này đem lại lợi nhuận cao.

"Qua kiểm tra đột xuất thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh dược, thiết bị có sự chuẩn bị, đề phòng trước nên đã chuyển hàng hóa đi nơi khác cất giấu.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, facebook, zalo diễn ra phức tạp. Các đối tượng tạo tài khoản giả, khó xác định nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra xử lý, khó xác định chủ thể hành vi vi phạm, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính…"- ông Nguyễn Hoài Nam nói và cho rằng cần có hình phạt thích đáng với các sai phạm này, làm sao đủ sức răn đe.

Đại diện Sở Y tế Hòa Bình thừa nhận thời gian qua dù đã cố gắng nỗ lực nhưng công tác hậu kiểm còn nhiều bất cập. Hàng năm tỉnh có tổ chức các đoàn đi kiểm tra, lấy mẫu nhưng không thể xác định được hàng giả, chủ yếu kiểm tra các chỉ số về an toàn thực phẩm, vi sinh…, không kiểm tra về chất lượng.

Nguồn lực thực hiện cũng còn hạn chế, trong khi các đối tượng sản xuất hàng giả rất tinh vi, không ở siêu thị, cửa hàng trên địa bàn mà bán trên sàn thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm…

Mặc dù từ đầu năm 2024 địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra nhưng rất khó để xác định được hàng giả.

"Theo quy định lấy mẫu, địa phương chỉ kiểm tra được chỉ số an toàn thực phẩm, chứ không kiểm tra được chất lượng. Và khi thực hiện kiểm tra, đoàn chỉ kiểm tra hậu kiểm ở cơ sở sản xuất và chỉ có thể kiểm tra chất lượng khi người dân có ý kiến" - đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết.

Bộ Y tế chỉ 5 lý do dẫn đến các vụ việc sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả thời gian qua- Ảnh 3.

Đại diện Sở Y tế Hòa Bình báo cáo.

Liên quan đến vụ sữa giả cơ quan chức năng đã phát hiện, công bố thời gian qua, đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết công ty sản xuất sữa giả thực hiện công bố sữa ở tỉnh Hòa Bình nhưng lại không bán hàng trên địa bàn tỉnh, không bán ở siêu thị hay bất cứ bệnh viện nào trên địa bàn.

Do đó đại diện tỉnh Hòa Bình cho rằng cần sửa đổi Nghị định 15 về lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp, khi có đầu ra cần phải chứng minh được sản phẩm đó đạt chất lượng hay không...

Bộ Y tế lập Tổ công tác cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giảBộ Y tế lập Tổ công tác cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

SKĐS - Sáng 23/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tiến độ triển khai thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn