Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên một số website, trang mạng xã hội:
https://www.buy24h.click/tensicare/?gclid=CjwKCAjwq-WgBhBMEiwAzKSH6AXm3fppCHIVVJKJMoGhEQ5xCDx3dlSxDhorSct5MaV7h2udlQv6ixoCiuAQAvD_BwE
https://www.tensicare.vn/
https://trungtamthuoc.com/tensicare
https://bacsiphukhoa.webflow.io/bai-viet/vien-sui-tensicare
https://yduoctaman.com.vn/tensicare/
https://www.suanutrizabet.com/
https://www.tieuduongnutri.click/gg?gclid=EAIaIQobChMIjMyDoYv0_QIVtplmAh1WIQTjEAAYAiAAEgKhnPD_BwE
https://www.suanutrizabet.com/
đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tensicare vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi thực tế đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tensicare do CÔNG TY TNHH NATURE ORIGIN (Địa chỉ trụ sở chính: Số 152 Nguyễn Hữu Thọ, Xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet do CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ TCG VIỆT NAM (Địa chỉ: Tầng 1, số 44 Nguyễn Viết Xuân, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cho biết Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật ở các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm mới đây, hiện nay các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong môi trường mạng có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm nên khó xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
Đặc biệt sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, người nổi tiếng quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh.
Thậm chí, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, Google, YouTube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.