Bộ Y tế cảnh báo loại thuốc kháng sinh giả vừa phát hiện trên thị trường

30-03-2023 06:54 | Y tế

SKĐS - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho biết, Cục Quản lý Dược đã phát cảnh báo về thuốc kháng sinh Cephalexin 500 giả xuất hiện trên thị trường, yêu cầu truy tìm nguồn gốc, xử lý vi phạm.

Cục Quản lý Dược cho biết, trước đó, Cục đã nhận được báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn viên nang cứng Cephalexin 500 (cephalexin monohydrat tương ứng với cephalexin khan 500mg), số lô 04310322, NSX: 31/3/22, HD: 31/2/25, VD-25166-17, nơi sản xuất là Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, địa chỉ số 150 đường 14/9, phường 5, TP Vĩnh Long, do Trung tâm Kiểm nghiệm Vĩnh Long lấy tại nhà thuốc Ngọc Thanh Thanh ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính theo USP 43.

Bộ Y tế cảnh báo loại thuốc kháng sinh giả vừa phát hiện trên thị trường  - Ảnh 1.

Cục Quản lý Dược đã phát cảnh báo về thuốc kháng sinh Cephalexin 500 giả xuất hiện trên thị trường, yêu cầu truy tìm nguồn gốc, xử lý vi phạm. (Ảnh minh hoạ)

Theo Cục Quản lý Dược, căn cứ dữ liệu cấp phép lưu hành thuốc của Cục, không có sản phẩm thuốc nào đã được cấp phép lưu hành có các thông tin nêu trên.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế Vĩnh Long khẩn trương phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan, thanh tra, kiểm tra nhà thuốc Ngọc Thanh Thanh ở địa chỉ trên và truy tìm nguồn gốc của lô hàng nêu trên, xử lý cơ sở vi phạm theo quy định. Báo cáo nhanh kết quả về Cục Quản lý Dược.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Thuốc Cephalexin 500mg là thuốc kê đơn, được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như: viêm phế quản cấp và mạn, giãn phế quản nhiễm khuẩn; Viêm tai giữa, nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, viêm xoang, viêm xương chũm, viêm họng; Nhiễm khuẩn da, mô mềm; Nhiễm khuẩn xương khớp; Nhiễm trùng tiết niệu, viêm amidan, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng đường sinh dục...

Cập nhật mới nhất về tiêm vaccine COVID-19Cập nhật mới nhất về tiêm vaccine COVID-19

SKĐS - Việt Nam đã tiêm gần 260 triệu liều vaccine COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều tỉnh, thành đang tiêm thấp, chậm; Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch...

Thái Bình
Ý kiến của bạn