Sáng ngày 1/12, tại TPHCM đã diễn ra buổi toạ đàm lấy ý kiến về thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Y tế, với sự tham dự của hơn 31 lãnh đạo ngành y tế các tỉnh thành.
TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, mỗi năm Bộ Y tế nhận và giải quyết hơn 166.000 hồ sơ thủ tục. Trong khi công tác khám chữa bệnh ngày càng cao, đòi hỏi công tác cải cách thủ tục hành chính đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tính đến tháng 10/2023, Bộ Y tế áp dụng và đăng công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC là 488 TTHC thuộc 11 lĩnh vực bao gồm: dược, mỹ phẩm; y, dược cổ truyền; khám chữa bệnh; trang thiết bị - công trình; khoa học công nghệ và đào tạo; an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; tổ chức cán bộ; truyền thông và thi đua khen thưởng; tài chính y tế; dân số - sức khỏe sinh sản; y tế dự phòng. Theo đó, ngành y tế cũng đã cắt giảm được 38 TTHC so với năm 2022.
Riêng 10 tháng năm 2023, Bộ Y tế ban hành 194 Quyết định mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị và công trình y tế; giám định y khoa; dược phẩm; mỹ phẩm; y dược cổ truyền; đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, Bộ Y tế đã công bố 15 TTHC mới; sửa đổi, bổ sung 122 TTHC; bãi bỏ 43 TTHC... Đồng thời Bộ Y tế cũng đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá 153 quy định TTHC và 14 quy định về điều kiện kinh doanh từ đó tiết kiệm được cho các doanh nghiệp trang thiết bị y tế, dược... hơn 570 tỷ đồng.
Đến tham dự toạ đàm, đại diện các địa phương như TPHCM, Long An, Lâm Đồng cùng với đại diện một số doanh nghiệp đã đưa ra những phương án, kết quả thực hiện cải cách hành chính trong y tế tại địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, các doanh nghiệp, các địa phương cũng đã thẳng thắn kiến nghị, góp ý bổ sung, đề xuất cho việc cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới nhằm thiết thực hiệu quả hơn.
Cụ thể, TTHC phải thống nhất, định lượng được thời gian, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, tránh mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Hay việc đồng bộ các giấy tờ liên quan đến pháp lý, hồ sơ, liên quan đến thân nhân (CCCD, CMND, bằng cấp, hộ khẩu, giấy tạm trú...). Các quy định về nhãn mác hàng hoá xuất, nhập khẩu để vừa đảm bảo an toàn, quy định của pháp luật mà không làm tăng thời gian, chi phí cho người dân.
Chánh Văn phòng Bộ Y tế thẳng thắn cho biết, công tác cải cách TTHC còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như chưa tổ chức công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế định kỳ hằng tháng. Chưa hoàn thành tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyển (DVCTT) của các đơn vị lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Y tế. Chưa hoàn thành việc xây dựng kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức và tổ chức tập huấn cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ số hóa hồ sơ, giấy tờ theo quy định vì hiện đang tiến hành các thủ tục đấu thầu thuê đơn vị tư vấn xây dựng.
Việc theo dõi, tổng hợp tình hình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa chưa thông suốt. Chưa công bố, công khai cán bộ công chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức chưa thực hiện được.
Đặc biệt, các phần mềm về công nghệ, chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn đầu, thiếu nhân sự, công chức chuyên trách. Người dân chưa quen với việc sử dụng các ứng dụng và còn e ngại vấn đề an toàn thông tin khi giải quyết TTHC qua mạng, bưu điện...
TS Hà Anh Đức cho biết, trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Tập trung rà soát tổng thể nhiệm vụ xây dựng, kết nối liên thông dịch vụ cổng thông tin của Bộ Y tế với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tiếp tục đánh giá các tác động đối với quá trình cải cách TTHC. Triển khai thực hiện hiệu quả công khai đúng thời hạn các dự liệu TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ đã được công bố trên Cổng thông tin cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC.