Theo Thông tư 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế vừa ban hành, có điều chỉnh quy định về trường hợp người bệnh đi khám nhiều chuyên khoa trong 1 lượt khám thì bệnh viện sẽ tự quyết định người kê đơn, bảo đảm người bệnh chỉ có 1 đơn thuốc, tính an toàn (không bị trùng lặp, tương tác thuốc) và hiệu quả, hợp lý của đơn thuốc.
Điểm mới nữa trong Thông tư lần này là Bộ Y tế không còn quy định thời hạn hiệu lực của đơn thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế bổ sung quy định: người bệnh phải lãnh thuốc trong tối đa 5 ngày kể từ ngày kê đơn. (Trước đây, theo Thông tư cũ -Thông tư 52 quy định cụ thể thời hạn đơn thuốc có giá trị mua, lãnh thuốc, trong đó, đơn thuốc có giá trị mua, lãnh thuốc trong thời hạn tối đa 5 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc).
Thông tư cũng bổ sung một số trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc như thông tin về số định danh cá nhân hoặc số căn cước công dân hoặc hoặc số hộ chiếu của người bệnh.
Người kê đơn cũng cần ghi rõ số lượng sử dụng mỗi lần và số lần sử dụng trong ngày, số ngày sử dụng thuốc trong đơn thuốc cho người bệnh.

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, từ ngày 1/7, Bộ chính thức bỏ quy định đơn thuốc chỉ có hiệu lực mua trong vòng 5 ngày kể từ ngày kê đơn; Cùng đó, người bệnh khám nhiều chuyên khoa trong 1 lần sẽ chỉ có 1 đơn thuốc...
Thông tư cũng quy định y bác sĩ, dược sĩ kê đơn phải chịu trách nhiệm về đơn thuốc do mình kê cho người bệnh.
Người kê đơn thuốc có trách nhiệm khuyến cáo người bệnh về thời hạn tốt nhất của việc mua thuốc trong đơn; Đồng thời hướng dẫn việc sử dụng thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh.
Thông tư mới cũng nhấn mạnh bác sĩ chỉ được kê đơn sau khi đã thăm khám, chẩn đoán. Đơn thuốc phải phù hợp với bệnh lý, mức độ bệnh, đảm bảo an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Đơn thuốc cần ghi rõ tên thuốc, nồng độ hoặc hàm lượng, số lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm và thời gian điều trị.
Về thời gian kê đơn, thuốc điều trị bệnh cấp tính gây nghiện chỉ được kê tối đa 7 ngày; thuốc hướng thần, thuốc tiền chất tối đa 10 ngày.
Riêng người bệnh ung thư khi dùng thuốc giảm đau gây nghiện, mỗi đơn có hiệu lực tối đa 30 ngày nhưng phải chia thành ba đợt điều trị, mỗi đợt không quá 10 ngày, kèm ngày bắt đầu, kết thúc.
Ngoài ra, Thông tư cũng cập nhật các quy định mới theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, như việc kê đơn thuốc phải tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận; việc sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm các nguyên tắc: Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả. Việc kê đơn thuốc cũng phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh…
Thông tư này cũng bỏ mẫu sổ khám bệnh. Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở hoặc kết thúc điều trị nội trú được kê đơn vào đơn thuốc và quản lý bằng hồ sơ bệnh án phù hợp.
Điểm nhấn của Thông tư này như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin là Bộ Y tế ban hành 252 danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30. Theo đó, người kê đơn thuốc sẽ quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc, căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 90 ngày.
Trước đây, Thông tư 52/2017 quy định thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa là 30 ngày.