Hà Nội

Bộ Y tế bàn thảo dự thảo Nghị quyết mới về công tác y tế và dân số

23-03-2017 15:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 25 năm kể từ khi Nghị quyết số 04 – NQ/HNTW về y tế và dân số được ban hành, việc ra một nghị quyết mới về y tế và dân số là một việc làm cấp thiết, và là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng của ngành y tế, đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của tập thể.

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Ban cán sự Đảng của Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo tham vấn các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh thành phố về Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới.

Đến dự có đại diện các Ban Đảng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện các Ủy ban Quốc hội, các Bộ, ngành. Đây là hội nghị tham vấn đầu tiên có sự tham dự của các cơ quan Trung ương, các Bộ, Ban, Ngành và đại diện 32 tỉnh khu vực phía Bắc. Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim TiếnBộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 25 năm kể từ khi Nghị quyết số 04 – NQ/HNTW về y tế và dân số được ban hành, việc ra đời một nghị quyết mới về y tế và dân số là một việc làm cấp thiết, và là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng của ngành y tế, đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của tập thể.

Ngành y tế đã xây dựng một khung chương trình từ đó ra bản dự thảo Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới.  Vào ngày 28/3 tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức một Hội thảo góp ý cho Đề án này tại khu vực miền Nam.

Nghe phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại đây:

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các Thứ trưởng Y tế chủ trì hội nghị.

Trong những năm qua, mục tiêu đạt mức sinh thay thế, bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh để có 2 con đã đạt sớm hơn dự kiến và duy trì suốt 10 năm qua. Chỉ số phát triển con người ở Việt Nam đã tăng từ thứ 120 /174 vào năm 1992, năm 2015 đã đứng thứ 116/188, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng nhanh và đạt 73,2 tuổi vào năm 2015.

Tuy nhiên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng dân số đã được nâng lên song chưa vững chắc, chưa thu hẹp được khoảng cách so với các nước, tuổi thọ tăng nhưng số năm sống trung bình khỏa mạnh của người VIệt Nam còn thấp, ở các vùng nghèo, khó khăn mức sinh còn cao, trong khi ở khu vực đô thị, kinh tế phát triển xuất hiện xu hướng mức sinh giảm xuống mức thấp; kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế.

Để quy mô dân số ở mức khoảng 110 triệu người vào năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số , nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung cho kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số, gắn dân số với phát triển, đảm bảo sự bền vững của đất nước.

Góp ý cho bản Đề án, TS Dương Quốc Trọng – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, đây là một bản đề án công phu, nghiêm túc, tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề còn chưa được đề cập đúng mức. Ông Trọng lấy ví dụ, vấn đề dân số rất quan trọng, nhất là trong tình hình mới hiện nay, bức tranh dân số đã thay đổi hoàn toàn so với năm 1993 khi ra Nghị quyết trung ương lần thứ 4 khóa VII về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên trong bản đề án, vấn đề dân số rất mờ nhạt, việc kiểm điểm tình hình thực hiện nghị quyết năm 1993 chưa có, mục đích của việc ban hành nghị quyết lần này chưa rõ, nhiều vấn đề dân số trùng lặp với y tế.

Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến nên ưu tiên công tác y tế dự phòng, bởi việc phòng bệnh tốt sẽ giảm chi phí điều trị rất nhiều, để làm được điều này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương cho rằng, vấn đề bảo hiểm y tế cần được làm rõ, cần có nhiều mức đóng bảo hiểm khác nhau. Hiện đang xuất hiện những bất cập như mức đóng bảo hiểm giống nhau nhưng ai cũng muốn được hưởng mức cao nhất. Giám đốc Sở Y tế Thái Bình ông Phạm Văn Dịu đồng tình và cho rằng, hiện nay các bác sĩ đang bị bảo hiểm “trói tay”, họ đã bị đánh mất quyền được chỉ định thuốc, xét nghiệm, điều trị thế nào cho người bệnh. Bác sĩ muốn áp dụng các kỹ thuật cao, thuốc tốt cho bệnh nhân nhưng lại bị bảo hiểm cáo buộc là “trục lợi’. Nhiều đại biểu yêu cầu Nghị quyết trung ương lần này cần làm rõ chính sách về bảo hiểm y tế.

Tại hội nghị, các đại biểu còn thảo luận rất nhiều về các vấn đề về chính sách dân số, đầu tư, xã hội hóa y tế, an toàn thực phẩm, hay đào tạo y tế hiện nay....

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đề án hiện nay đang đề cập quá nhiều đến những việc mà ngành y tế đã làm được, trong khi nội dung, kế hoạch còn quá ít. Cụ thể, cần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa VII, trong phần kiến nghị, một số vấn đề cần được làm rõ như mô hình quản lý, quản trị bệnh viện; an toàn thực phẩm; chất lượng dân số; nên coi dịch vụ y tế là dịch vụ xã hội hay kết hợp với dịch vụ kinh tế; mô hình kết hợp công tư; định hướng phát triển y học cổ truyền theo hướng nào ... Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề từ ngữ được sử dụng trong bản Nghị quyết.

Bộ trưởng đề nghị các Bộ, Ban, Ngành tiếp tục đóng góp ý kiến cho đề án, Bộ Y tế sẽ là đầu mối tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản Nghị quyết về y tế và dân số để trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.


Hải Yến
Ý kiến của bạn