Bộ Y tế ban hành hàng nghìn chỉ số cận lâm sàng cho chuẩn hoá liên thông xét nghiệm

11-04-2025 18:38 | Y tế

SKĐS - Việc Bộ Y tế ban hành Quyết định Danh mục chỉ số cận lâm sàng phục vụ cho bệnh án điện tử có ý nghĩa rất lớn vì việc liên thông dữ liệu xét nghiệm sẽ góp phần giảm chi phí cận lâm sàng cho người bệnh, hạn chế việc làm lại xét nghiệm không cần thiết...

Ngày 11/4, TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1227/QĐ-BYT ban hành Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng (Đợt 1).

Danh mục này được ban hành nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Gọi tắt là Đề án 06/CP) và thực hiện lộ trình chuẩn hóa danh mục xét nghiệm y tế, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, nhằm hướng đến việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, làm cơ sở để thúc đẩy bệnh án điện tử trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn hoá dữ liệu ngành y tế.

Tổng số có 2.964 chỉ số được ban hành đợt này, bao gồm Huyết học - Truyền máu: 1022 chỉ số; Hóa sinh: 447 chỉ số; Vi sinh: 174 chỉ số; Giải phẫu bệnh: 81 chỉ số; Điện quang: 1240 chỉ số.

Bộ Y tế ban hành hàng nghìn chỉ số cận lâm sàng cho chuẩn hoá liên thông xét nghiệm- Ảnh 1.

Việc Bộ Y tế ban hành Quyết định Danh mục chỉ số cận lâm sàng phục vụ cho bệnh án điện tử có

 ý nghĩa rất lớn vì việc liên thông dữ liệu xét nghiệm sẽ góp phần giảm chi phí cận lâm sàng cho người bệnh, hạn chế việc làm lại xét nghiệm không cần thiết...

Theo TS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Danh mục mã dùng chung đối với kỹ thuật, thuật ngữ chỉ số cận lâm sàng được ban hành nhằm thống nhất thuật ngữ chuyên môn, chuẩn hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh án điện tử, liên thông kết quả cận lâm sàng, dữ liệu khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. 

Danh mục mã này được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc bao gồm toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân.

Việc ban hành Quyết định này là nội dung quan trọng và có ý nghĩa rất lớn vì việc liên thông dữ liệu xét nghiệm sẽ góp phần giảm chi phí cận lâm sàng cho người bệnh, hạn chế việc làm lại xét nghiệm không cần thiết, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Danh mục chỉ số cận lâm sàng lần này có sự đóng góp chuyên môn của các bệnh viện đầu ngành như: Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên...

Theo các chuyên gia, việc triển khai bệnh án điện tử mang nhiều lợi ích cho cả người bệnh, cơ sở y tế và thầy thuốc cũng như cơ quan quản lý.

Đối với người bệnh, bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm. Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

Đối với thầy thuốc và nhân viên y tế, bệnh án điện tử giúp truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng, giữa các bệnh viện một cách nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn, tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp.

Việc đưa hồ sơ bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bệnh án điện tử cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Cung cấp dữ liệu cho công tác nghiên cứu.

Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh: Tiền thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng, tiền giường hay chi phí thực hiện các cận lâm sàng.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Liên quan đến thực hiện bệnh án điện tử trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trước đó cũng đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số; Các cơ sở khám chữa bệnh ưu tiên nguồn lực, khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025), sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID).

Bộ trưởng Bộ Y tế: Trước 30/9/2025, các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tửBộ trưởng Bộ Y tế: Trước 30/9/2025, các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số; Các cơ sở khám chữa bệnh ưu tiên nguồn lực, khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2025), sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID,

Thái Bình - Lê Hảo
Ý kiến của bạn