Hà Nội

Bộ Y tế bàn giao thêm 14 bác sĩ trẻ về chăm sóc sức khoẻ người dân vùng khó khăn

18-12-2018 21:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Bước đột phá của ngành y tế trong đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân vùng khó khăn

Ngày 18/12/2018, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 14 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa 3, lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I  trong tổng số 300 bác sỹ đã, đang được đào tạo tại Trường đại học Y Hà Nội và khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa I khóa 14 với 32 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn khắt khe chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn

Đây là các hoạt động có ý nghĩa của dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, hạn chế rủi do tài chính lãng phí của người dân, cộng đồng và xã hội.

”Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao bằng khen và phần thưởng cho 14 bác sĩ trẻ tốt nghiệp khoá 3

Tại Buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo, giao các bệnh viện tuyến trung ương tuyển dụng theo dõi hỗ trợ cho các bác sĩ trẻ bàn giao đợt này, giao cho Trường Đại học Y Hà Nội và một số trường đại học y tổ chức đào tạo cho các bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia dự án bảo đảm chất lượng, đạt chỉ tiêu vững vàng tay nghề về chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu nhằm phục vụ nâng cao công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; thực hiện công bằng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở vùng khó khăn, góp phần giảm tải trong công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên.

Các huyện nghèo còn cần khoảng 316 bác sĩ

Thông tin tại buổi lễ, TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” cho biết, báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo là khoảng 598 người thuộc 15 chuyên khoa trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội với 53 bác sĩ; Ngoại với 49 bác sĩ; Sản với 55 bác sĩ; Nhi với 44 bác sĩ; Hồi sức cấp cứu với 47 bác sĩ; Truyền nhiễm với 35 bác sĩ; Chẩn đoán hình ảnh với 33 bác sĩ. Như vậy, tổng số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này  là 316.

Lễ ký kết bàn giao và tiếp nhận các bác sĩ trẻ giữa bệnh viện tuyến trung ương cho các cơ sở y tế của huyện nghèo diễn ra tại trường Đại học Y Hà Nội ngày 18/12

Dự án được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2/2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng hơn 300 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên. Hiện tại dự án đã, đang và sẽ đào tạo 14 khóa chuyên khoa I cho 332 bác sỹ thuộc 11 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Răng hàm mặt và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng.

Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 03 năm (đối với nam) và 02 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện.  Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện nghèo.

“14 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I khóa 3 đều là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tại Trường đại học Y Hà Nội và các trường đại học Y – Dược khác tình nguyện tham gia dự án, được đào tạo bài bản tại Đại học Y Hà Nội và đã nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa I, được nhận chứng chỉ hành nghề. Tình nguyện đi công tác ở các vùng khó khăn, họ được hưởng các chế độ đối với cán bộ Y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, Nghị định 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... “- TS Phạm Văn Tác thông tin

Nhân dịp này cũng diễn ra lễ khai giảng khóa 14 lớp đào tạo chuyên khoa I  cho 32 bác sỹ trẻ thuộc 10 chuyên ngành khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Gây mê hồi sức, Ngoại, Nhi, Truyền nhiễm, Nội, Hồi sức cấp cứu, Răng hàm mặt và Sản tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

BS Doãn Thanh Hương chuyên ngành ngoại - sản tình nguyện về công tác tại TTYT huyện Mường Ảng (Điện Biên), một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Ảnh: TTXVN

Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng làm viên chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện K và số bệnh viện đa khoa/trung tâm y tế (TTYT)  tại huyện khó khăn của tỉnh Lào Cai (BVĐK Mường Khương, BVĐK Bắc Hà), Cao Bằng (BVĐK Trùng Khánh, Bảo Lâm và Quảng Uyên) Lạng Sơn (TTYT Bình Gia, TTYT Lộc Bình), Hà Giang TTYT Hoàng Su Phì, BVĐK Vị Xuyên),  Điện Biên (TTYT Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường ảng), Bắc Kạn (TTYT Ngân Sơn), Tuyên Quang (BVĐK Lâm Bình, BVĐK Na Hang)

Được biết, chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt, tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn  giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.


Thái Bình
Ý kiến của bạn