Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực nâng cao khả năng chẩn đoán và phản ứng nhanh chóng trước các tình huống y tế khẩn cấp. Tham dự sự kiện có PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đại diện các đơn vị có liên quan.
Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét được thành lập năm 2002 để gây quỹ, quản lý và tài trợ cho các quốc gia nhằm đối phó với ba trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Năm 2023, Quỹ Toàn cầu đạt dấu mốc kỷ niệm 20 năm hoạt động.
Trong thời gian qua, Quỹ đã tài trợ 60 tỷ đô la Mỹ cho công cuộc phòng chống 3 bệnh trên và đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu đã cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do ba căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ. Nguồn lực này cũng đã đóng góp tích cực vào hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Việt Nam là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ Quỹ Toàn cầu kể từ năm 2003. Sự đồng hành cùng người dân và Chính phủ Việt Nam của Quỹ toàn cầu là một nguồn lực quý báu và bền vững trong mấy chục năm qua. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là:
- Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện;
- Giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS;
- Giảm số người tử vong liên quan đến AIDS...
Trong 20 năm qua, với sự đóng góp to lớn của Quỹ toàn cầu, chương trình phòng chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được hơn 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Ngay trong giai đoạn 2021-2023 Quỹ đã hỗ trợ 61 triệu đô la Mỹ cho công tác phòng chống HIV/AIDS, trong đó bao gồm 12,6 triệu đô la cho phòng, chống COVID-19 với mục tiêu "Nâng cao năng lực ứng phó COVID-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trong 2 năm 2021-2022, khoảng 7,5 triệu đô từ nguồn viện trợ của Quỹ toàn cầu được sử dụng để mua sắm hàng hóa và trang thiết bị thiết yếu, góp phần vào công tác phòng chống dịch quốc gia.
Trong năm 2023, Bộ Y tế đã ký quyết định tiếp nhận 12 hệ thống máy do Quỹ toàn cầu mua sắm và viện trợ cho 10 đơn vị, cơ sở y tế trên toàn quốc. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong số các đơn vị tiếp nhận hệ thống máy xét nghiệm Cobas 6800 tân tiến và hiện đại nhất.
Máy có khả năng xử lý hơn 25 loại xét nghiệm kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: Huyết học như sàng lọc máu, vi sinh như phát hiện các tác nhân truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp, máu, tình dục, phát hiện kháng kháng sinh, yếu tố miễn dịch, hỗ trợ ghép tạng...
Đây là một hệ thống máy rất hiện đại hiện nay thuộc dòng Cobas với công suất cao (384 mẫu/8 giờ) giúp giảm thiểu các thao tác thủ công trong quá trình thử nghiệm, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho nhân viên y tế. Với khả năng chẩn đoán chính xác và nhanh chóng, máy đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định nhiều loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh khác nhau cùng các yếu tố miễn dịch... Điều này sẽ giúp chẩn đoán điều trị kịp thời, giám sát và ứng phó các trường hợp khẩn cấp về y tế.
Đối với lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, hệ thống máy Cobas 6800 giúp xét nghiệm phát hiện HIV, đo tải lượng virus HIV, đồng thời hỗ trợ xét nghiệm cho việc phát hiện, đo tải lượng virus viêm gan C, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Lao là các bệnh đồng nhiễm với HIV.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng khi tiếp nhận hệ thống xét nghiệm này, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ làm tăng năng lực xét nghiệm HIV/AIDS, nâng cao năng lực hệ thống giám sát phát hiện tác nhân truyền nhiễm và hỗ trợ cảnh báo dịch sớm và nhanh, góp phần vào các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị tiếp nhận hệ thống cần cam kết sử dụng máy một cách hiệu quả: Vận hành máy, sử dụng tối đa, đảm bảo hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bão dưỡng định kỳ để tăng tuổi thọ máy; đào tạo cán bộ, đảm bảo sinh phẩm, hóa chất để vận hành máy móc hiệu quả; mở rộng phạm vi danh mục xét nghiệm, để cung cấp xét nghiệm cho bệnh nhân, nghiên cứu khoa học và giám sát dịch.
TS. BS. Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy kiêm trưởng khoa Huyết học bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: Trong chiến lược tuyển chọn người hiến máu an toàn, có 5 bước quan trọng: Bước 1 là cung cấp thông tin để người hiến máu tự sàng lọc chính mình; bước 2 là bác sĩ khám tuyển chọn; bước 3 là xét nghiệm nhanh HbsAg – xét nghiệm huyết sắc tố; bước 4 là xét nghiệm huyết thanh học HbsAg-HIV-HCV-Giang mai-Ký sinh trùng sốt rét; bước 5 là xét nghiệm sinh học phân tử - NAT thì bước 5 là quan trọng nhất vì xét nghiệm NAT có thể giúp ngắn giai đoạn "cửa sổ" HBV 15 ngày; HIV 7 ngày; HCV 4 ngày. Hệ thống Cobas 6800 sẽ giúp phát hiện sớm sự hiện diện của virus ở giai đoạn "cửa sổ", hỗ trợ công tác chốt chặn cuối cùng đảm bảo an toàn truyền máu.
Tiếp nhận món quà vô cùng quý giá, TS.BS. CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vui mừng trân trọng cảm ơn Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Quỹ toàn cầu đã luôn quan tâm, hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đặc biệt, tại thời điểm giáp Tết thì món quà lại càng có ý nghĩa.
Công tác tiếp nhận máu hiến tại Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy được nhanh chóng và đảm bảo chất lượng. Ông khẳng định sẽ sử dụng quà tặng đúng mục đích, đảm bảo công tác vận hành, bảo trì bảo dưỡng định kỳ, đào tạo kỹ thuật viên để tăng tuổi thọ của máy cũng như mở rộng phạm vi danh mục xét nghiệm, để cung cấp xét nghiệm cho bệnh nhân, nghiên cứu khoa học và giám sát dịch như những gì Thứ trưởng đã đề nghị.
Mời độc giả xem thêm video:
Báo động lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm MSM |SKĐS