Bà Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cai tchúc mừng 7 bác sĩ trẻ chuyên khoa I về công tác tại huyện nghèo
Bà Nguyễn Thúy Anh- Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Tổ chức y tế thế giới tham dự chương trình…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên quan tâm, thể hiện bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc bảo đảm an sinh xã hội. “Tuy nhiên, hiện nay người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế cũng còn một số bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế nhất là đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn chuyên sâu”- Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn chỉ rõ.
Do đó, nhằm góp phần tăng cường số lượng và đặc biệt là chất lượng bác sĩ có tay nghề cao cho các địa phương ở những vùng khó khăn, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo TW xây dựng Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Dự án này đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi, tình nguyện đã được đào tạo chính quy Chuyên khoa I, được xét cấp chứng chỉ hành nghề, trước khi được bàn giao cho các huyện khó khăn. Theo nội dung của Dự án các bác sỹ tập trung cho thực hành tay nghề và sau đó về công tác tại các huyện nghèo, khó khăn, 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ họ trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (nơi các bác sỹ đã được xét tuyển vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn); những bác sỹ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về các chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về công tác quản lý Y tế.
Ngoài ra, họ còn được hưởng các chế độ đối với cán bộ Y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo quy định… Báo cáo về hoạt động của dự án, TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - Giám đốc Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” (dự án 585) cho biết, 7 bác sỹ trẻ tình nguyện được Bộ Y tế bàn giao hôm nay sẽ về làm việc tại các cơ sở y tế của các huyện nghèo của 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La. “Đây là những bác sỹ đầu tiên của dự án, gồm 1 bác sỹ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, 1 bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sỹ nhi khoa. Trước đó, những bác sỹ này tôt nghiệp Đại học y loại khá, giỏi và được đào tạo thêm 2 năm, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương”- TS Phạm Văn Tác nói.
Theo như quy định hiện tại của dự án, thời gian làm việc tại vùng khó khăn là 2 năm đối với 2 bác sỹ nữ và 3 năm đối với 5 bác sỹ nam. Khi tham gia vào dự án này, các bác sĩ trẻ trên đã được tiếp nhận vào các Bệnh viện tuyến TW như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi TW do đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, những bác sỹ này vẫn được tiếp nhận làm việc tại các bệnh này…
TS Phạm Văn Tác cũng cho biết thêm, qua tổ chức khảo sát thực trạng bác sĩ, nhu cầu bác sĩ, nhu cầu đào tạo theo từng chuyên khoa kết hợp khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình bệnh tật tại 62 huyện nghèo và kết quả cho thấy còn thiếu khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội: 53; Ngoại: 49; Sản: 55; Nhi: 44; Hồi sức cấp cứu: 47; Truyền nhiễm: 35; Chẩn đoán hình ảnh: 33. Tổng số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này là 316. Hiện nay Dự án đã thu hút được nhiều bác sỹ trẻ tình nguyện đăng ký tham gia, đang đào tạo 5 khóa bác sỹ chuyên khoa I cho 78 bác sỹ thuộc 9 chuyên ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội với một khung chương trình đào tạo đặc biệt theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; đến nay đã khớp được cung cầu và tuyển dụng được 25 bác sỹ thành viên chức của 12 bệnh viên tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế trước khi đưa về công tác tại các huyện nghèo, khó khăn.
Cũng trong bài phát biểu tại lễ bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
“Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước”- Bộ trưởng khẳng định.
Là một trong các địa phương được thụ hưởng nguồn nhân lực của dự án này, tại buổi lễ nhận bác sĩ trẻ về công tác, ông Đặng Xuân Thanh- phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Việc Bộ Y tế tổ chức đào tạo các bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các huyện nghèo là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện sự quan tâm và chia sẻ của ngành y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần rút ngắn khoảng cách về thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng giữa các vùng miền.
Ngay tại lễ bàn giao bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo, các bệnh viện tuyến TW là Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức và BV Nhi TW đã trao tặng trang thiết bị bị cho BVĐK huyện Bắc Hà
Ngay sau lễ ban giao 7 bác sĩ về công tác tại vùng khó khăn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và tặng quà các bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK huyện Bắc Hà. Một số hình ảnh Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm và tặng quà các bệnh nhi và bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa Bắc Hà: