Phần lớn karaoke, vũ trường chuyển đổi từ nhà ở để kinh doanh
Báo cáo tại Hội nghị về công tác PCCC và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác CNCH của lực lượng PCCC, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thực hiện các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Quy định 630, Quy định 1492; Chương trình hành động tăng cường công tác PCCC, Bộ được giao 7 nhiệm vụ và ban hành các Quyết định 931 và 279 năm 2019, 2020 để thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Bộ đã thường xuyên phối hợp với Bộ Công an, cụ thể với Cục PCCC (Bộ Công an) rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ dung quy định về PCCC cho nhà và công trình.
Theo ông Lê Quang Hùng, đối với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cho các công trình và nhà, đến nay cơ bản đầy đủ: Trước hết là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, Quy chuẩn chịu lửa kết cấu theo hướng chống cháy lan…
Về quy hoạch, Quy chuẩn QCVN 01 sửa đổi năm 2021 quy định về quy hoạch đô thị và khu đô thị, trong đó có các yêu cầu về khoảng cách giữa nhà và công trình, quy hoạch về mạng lưới giao thông bảo đảm tiếp cận về PCCC; quy hoạch về nước sinh hoạt, quy hoạch mật độ của các trạm công an PCCC trong khu dân cư, khi thẩm định các đề án quy hoạch đều có ý kiến thẩm định của cơ quan PCCC. Quy chuẩn 12 về hệ thống điện cho nhà và công trình, trong đó có các quy định khá cụ thể về hệ thống dây cáp điện, thoát nhiệt, chống tác động nhiệt, chống, quá tải hệ thống điện, bảo vệ chống sét…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: "Riêng đối với PCCC cho karaoke và vũ trường, từ năm 2015 Bộ Công an đã ban hành thông tư riêng và sửa đổi năm 2020 như một tiêu chuẩn riêng về PCCC cho karaoke và vũ trường. Trong đó quy định rất cụ thể về khoảng cách an toàn của cơ sở karaoke đối với công trình lân cận, quy định về chịu lực của nhà và kết cấu chịu lực, quy định tường vách ngăn cháy, quy định về chống cháy lan, quy định về lối thoát nạn, ít nhất phải có 2 lối thoát nạn, quy định về hệ thống âm thanh, quy định về vật tư trang trí, nội thất, quy định về biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…".
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, về cơ chế kiểm soát PCCC, theo quy định hiện nay có 3 bước: Khi cấp phép xây dựng, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa để kinh doanh karaoke, vũ trường thì khi cấp phép xây dựng đối tượng này phải chịu thẩm duyệt về thiết kế PCCC và phải được kiểm tra, nghiệm thu; khi cấp phép hoạt động cho thuê vũ trường do cơ quan quản lý văn hoá cấp phải có giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cháy nổ; hằng năm, định kỳ, cơ quan PCCC kiểm tra.
Ông Lê Quang Hùng đặt câu hỏi: "Hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn là đảm bảo. Câu hỏi đặt ra là tại sao các sự cố về cháy nổ, đặc biệt đối với kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn đang xảy ra hiện nay? Nguyên nhân thế nào?".
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, có 3 nguyên nhân chính, đó là: Phần lớn hiện nay, các cơ sở karaoke và vũ trường, đặc biệt là karaoke chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn.
Thứ hai, quy định về vật liệu, trang bị cách âm phải bảo đảm không cháy, quy định về an toàn điện lại phụ thuộc vào nguồn điện đấu nối, quy định về khoảng cách giữa cơ sở karaoke với nhà bên cạnh…
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ "lỗ hổng" thứ ba đó là: "Khi xin cấp phép xây dựng, họ xin cấp phép nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép kinh doanh karaoke. Nhưng sau đó họ lại cải tạo, sửa sang xây dựng để kinh doanh karaoke không xin phép".
Về kiến nghị, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh. Đối với những đối tượng tồn tại trước năm 2000, phải có những nghiên cứu để quy định cho linh hoạt, khả thi…
Hơn 17 nghìn vụ cháy trong 5 năm
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo, trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.
Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy...
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo đảm điều kiện an toàn, phòng, chống sự cố, tai nạn: Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH mở 2 đợt cao điểm tuyên truyền, trong đó đã chỉ rõ các nhiệm vụ cần thực hiện và tổng kiểm tra an toàn PCCC, CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC, CNCH trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Đã phát hiện trên 1.100.000 tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp. Qua kiểm tra đã hướng dẫn khắc phục những hạn chế, thiếu sót, góp phần loại trừ nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ sự cố, tai nạn.
Bộ Công an cũng đề xuất, Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sửa đổi, bổ sung ban hành mới, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm như karaoke, vũ trường, quán bar…