Hàng ngày, anh Nguyễn Công Vinh (38 tuổi) ở xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang) thường dậy sớm đến trang trại của gia đình để kiểm tra từng ô nuôi trùn quế. Lấy tay bới nhẹ lớp đất ẩm ướt nuôi trùn, anh nói: “Đất nuôi trùn quế phải ẩm ướt, nếu đất khô trùn chậm sinh trưởng”.
Anh Vinh sinh ra trong gia đình thuần nông. Học xong THPT, Vinh học ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học An Giang. Với tấm bằng kỹ sư, anh dễ dàng xin làm lập trình viên cho một công ty ở TP.HCM, lương hơn 2.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, vốn đam mê nông nghiệp và luôn muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê nhà nên năm 2016, Vinh bất ngờ nghỉ việc về quê nuôi trùn quế.
“Cuối năm 2016, tôi bắt đầu tìm hiểu mô hình nuôi trùn quế ở Củ Chi (TP.HCM), Long An và ra tận Hà Nội, rồi lên Lai Châu. Đến đầu năm 2017, tôi quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi trùn quế. Khi đó, tôi thấy trùn quế là mắt xích quan trọng trong nền nông nghiệp hữu cơ và xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vì vậy khả năng thành công với trùn quế rất cao”, anh Vinh chia sẻ.
"Nhưng với niềm đam mê, tôi quyết tâm làm cho bằng được. Đến bây giờ thì mọi người đã 'quay xe' ủng hộ tôi, bạn bè đến tìm hiểu học hỏi mô hình nuôi trùn quế để mở trang trại”, anh kể.
Ban đầu, Vinh bỏ ra số vốn khoảng 20 triệu đồng và nuôi trùn quế trên diện tích chỉ vài trăm mét vuông. Suốt 5 năm, anh vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 100ha (trong đó có trang trại liên kết với người dân) nuôi trùn trải khắp các tỉnh miền Tây, mở công ty giá trị tài sản hơn 40 tỷ đồng.
Để có được trang trại trùn quế như hôm nay, Vinh nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Người đàn ông miền Tây tiết lộ, việc xây dựng chuồng nuôi rất quan trọng, chiếm 50% hiệu quả trong việc nuôi trùn quế.
Chuồng nuôi phải có chiều cao 4-6cm, nền lót cát cao 5cm, trong lớp cát lót lưới và bắt buộc phải có mái che nắng mưa. Mỗi m2 đất thả khoảng 25kg trùn giống.
“Sau 15 ngày thả nuôi là có thể thu hoạch trùn thịt; khoảng 3 tháng thì thu hoạch phân để đưa vào quy trình sản xuất phân bón”, anh Vinh nói.
Theo anh Vinh, nuôi trùn quế không có gì phức tạp. “Thậm chí rất đơn giản, chỉ cần ủ phân bò, heo, dê, trâu, rơm rạ, rác thải nông nghiệp,... cho mục nát để làm thức ăn cho trùn quế. Trùn quế khi lớn thì bán thịt; còn phân trùn quế làm phân bón, Vinh cho hay. Anh còn sử dụng men vi sinh nhập từ Israel kết hợp mật mía đường ủ hơn 3 tuần cho trùn quế ăn.
Thịt trùn được bán cho các trại nuôi tôm, lươn, cá và các công ty làm thức ăn cho gia súc. Phân trùn được bán cho các nông trại trồng theo hướng công nghệ cao trong nhà kính khắp các tỉnh, thành cả nước.
“Phân trùn không chứa kim loại nặng. Những trái cây xuất khẩu sang nước ngoài, nhờ sử dụng phân trùn khi gieo trồng, nên rất được ưa chuộng. Nhà vườn trồng cây có múi sử dụng rất nhiều”, anh Vinh nói.
Sau 5 năm triển khai xây dựng, mô hình nuôi giun quế của anh Vinh đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Hiện bình quân mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán khoảng 1.700-1.800 tấn phân trùn quế, giá từ 4-5 triệu đồng/tấn; 5-6 tấn trùn thịt, giá từ 50.000-60.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, anh còn bán trùn giống và nhiều sản phẩm độc quyền khác do anh sản xuất từ phân trùn. Trừ hết chi phí, mỗi tháng anh Vinh thu về 500-600 triệu đồng.