Hà Nội

Bộ trưởng Y tế: Xây dựng các Trung tâm y tế chuyên sâu hút bệnh nhân nước ngoài

10-01-2019 07:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu ở các trung tâm hành chính lớn, các khu du lịch trọng điểm là một trong 3 định hướng quan trọng để thu hút người bệnh có đòi hỏi cao, người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh.

Với tư cách người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò là động lực cho sự phát triển ngành Y tế Việt Nam.

“Các nhà khoa học kiêm thầy thuốc luôn chủ động, sáng tạo áp dụng các tri thức, làm chủ công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý khó được quốc tế công nhận và tiếp nhận hàng nghìn bác sĩ đến học. Chẳng hạn như kỹ thuật thông tin thăm dò huyết động và can thiệp bệnh lý tim mạch, kỹ thuật can thiệp lòng mạch điều trị bệnh lý mạch máu não và tủy, can thiệp bệnh mạch vành cấp cứu (Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Đại học Y Dược Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định), kỹ thuật nội soi điều trị bệnh tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ và thoát vị cơ hoành bẩm sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương)...”- Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ Y tế, hiện nay các trung tâm y tế chuyên sâu đang được triển khai hiệu quả ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh với việc mở rộng các chuyên khoa đầu ngành để chuyển giao kỹ thuật theo chuyên ngành. Nhờ đó nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, trong đó đã ghép tim thành công.

Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, tim, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu… Đến nay đã có khoảng trên 300 bệnh nhân được ghép thận, trong đó có 07 trường hợp lấy thận từ người chết não.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

 

Cùng với việc hình thành và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu là khánh thành đưa vào sử dụng, khởi công nhiều công trình y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Ngành Y tế đã khởi công một số cơ sở khám chữa bệnh tại Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình 175, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở khám và điều trị của các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh: Bệnh viện Lão khóa, Bệnh viện Nội tiết và hàng loạt các bệnh viện địa phương; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa, Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Chuyển giao nhiều kỹ thuật cao ở tuyến cơ sở

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với quan điểm “Các công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến được triển khai ở nước ta phải có giá trị khoa học, hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội, trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tiễn phát triển ngành y tế”, Bộ Y tế ưu tiên lựa chọn công nghệ, kỹ thuật ứng dụng trong ngành y tế luôn lấy thước đo là bảo đảm tính khách quan về khoa học; chọn đúng công nghệ, kỹ thuật ưu tiên, phục vụ cho số đông dân số, thực hiện với kinh phí phù hợp nhất.

Năm 2018, ghi nhận nhiều kỹ thuật cao trong y tế được ứng dụng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân không những ở các bệnh viện tuyến Trung ương, mà đã được chuyển giao thành công, nhiều kỹ thuật thành thường quy ở bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực. Từ các kỹ thuật trong sàng lọc, phát hiện sớm, nhanh và chính xác phục vụ chẩn đoán tác nhân gây bệnh, đến các kỹ thuật can thiệp mạch, cấy ghép mô - bộ phận cơ thể người, hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật nội soi, hồi sức cấp cứu.

Thành công của các kỹ thuật cao ứng dụng trong hệ thống y tế Việt Nam được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Một ca ghép tạng thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

Để thu hút người bệnh có đòi hỏi cao, người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ thực hiện 3 định hướng:

Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách ứng xử trong cán bộ công chức viên chức ngành y tế;

Thứ hai là đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh (đặc biệt là dịch vụ chăm sóc, dịch vụ tư vấn, dịch vụ hỗ trợ thông tin cho người bệnh và người nhà,..);

Thứ ba là xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu ở các trung tâm hành chính lớn, các khu du lịch trọng điểm.


Dương Hải
Ý kiến của bạn