Bộ trưởng Y tế Việt Nam phỏng vấn sắc bén các ứng viên Tổng giám đốc WHO

26-01-2017 16:57 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tại cuộc họp Hội đồng chấp hành WHO 140, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra các câu hỏi phỏng vấn sắc bén đối với các ứng viên của vị trí Tổng Giám đốc WHO. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng được WHO lựa chọn là thành viên của Hội đồng xét thưởng Giải thưởng Sasakawa dành cho các cá nhân, tổ chức có những sáng kiến, đóng góp, nghiên cứu xuất sắc trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và sức khỏe cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 140 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ ngày 23/01 – 01/02/2017 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Hội đồng Chấp hành của WHO là nơi đề xuất và thảo luận các chính sách lớn về y tế trên toàn cầu, thường họp 02 lần/năm (lần thứ nhất họp chính thức vào tháng 01 và lần thứ hai họp ngắn vào tháng 5 hàng năm ngay sau khi kết thúc Đại Hội đồng Y tế Thế giới). Các chính sách y tế được đưa ra tại EB sau đó sẽ được thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia thành viên và WHO triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 140 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời là thành viên chính thức được bầu của Hội đồng Chấp hành WHO nhiệm kỳ 3 năm, từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2019, đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Hội đồng Chấp hành của WHO gồm 34 quốc gia thành viên, đại diện cho 6 khu vực của WHO trên thế giới, có vai trò quan trọng đối với các quyết sách về y tế trên toàn cầu.

Bầu Tổng Giám đốc của WHO nhiệm kỳ 2017 – 2022

Chương trình nghị sự năm nay của Hội đồng Chấp hành lần thứ 140 có một nội dung hết sức quan trọng, đó là bầu Tổng Giám đốc của WHO nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Tính đến nay có 6 ứng cử viên đến từ: Pháp, Anh, Ethiopia, Pakistan, Ý và Hungary. Hội đồng Chấp hành của WHO đã nghiên cứu hồ sơ của 6 ứng cử viên, rà soát các tiêu chuẩn của WHO đặt ra cho vị trí Tổng Giám đốc, trên cơ sở đó lựa chọn được 5 ứng cử viên để các thành viên của Hội đồng Chấp hành phỏng vấn trực tiếp, đó là: Pháp, Anh, Ethiopia, Pakistan và Ý.

Sau quá trình phỏng vấn trực tiếp các ứng cử viên vào ngày 25/1/2017, Hội đồng Chấp hành WHO đã bầu được 3 ứng cử viên với số phiếu cao nhất để giới thiệu vào vị trí Tổng Giám đốc của WHO gồm: ông Tedros Adhanom, quốc tịch Ethiopia; bà Shania Nishtar, quốc tịch Pakistan và ông David Nunes Nabarro, quốc tịch Anh. Ba ứng cử viên này sẽ được Đại Hội đồng Y tế Thế giới tháng 5/2017 tiếp tục bầu ra vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới nhiệm kỳ 2017 – 2022.

5 vấn đề chính tăng cường sức khỏe người dân

Ngoài nội dung bầu Tổng giám đốc WHO nhiệm kỳ 2017 - 2022, Chương trình nghị sự của Kỳ họp EB 140 gồm 05 nhóm vấn đề chính sau:

1. Chuẩn bị, giám sát và ứng phó (bao gồm ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp như dịch bệnh Ebola, Zika, kháng kháng sinh...);

2. Tăng cường hệ thống y tế (giải quyết các vấn đề về nhân lực y tế, hiến máu và mô tạng, thuốc và vắc xin, sở hữu trí tuệ, sức khỏe người di cư);

3. Phòng chống bệnh truyền nhiễm (thông qua kế hoạch toàn cầu về vắc xin, ứng phó với các bệnh do véc tơ truyền);

4. Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (suy giảm trí nhớ, béo phì, ung thư...);

5. Tăng cường sức khỏe trong suốt các giai đoạn của cuộc đời và các vấn đề tài chính, nhân sự và quản trị.

Đây là các vấn đề y tế toàn cầu để các quốc gia cùng thực hiện nhằm tăng cường sức khỏe người dân và hướng đến sự phát triển bền vững, đồng thời cũng là các nội dung y tế chính sẽ được ra thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2017.

Tiếng nói của Việt Nam đóng góp vào các chính sách y tế trên toàn cầu

Với vai trò thành viên chính thức của Hội đồng Chấp hành từ tháng 5/2016, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn đại biểu của Bộ Y tế đã tích cực đóng góp cho các nội dung của cuộc họp về các vấn đề y tế toàn cầu và khu vực. Nhiều tham luận của Việt Nam đối với các nội dung của cuộc họp được các thành viên của Hội đồng Chấp hành đánh giá cao, góp tiếng nói của các nước đang phát triển vào việc xây dựng các chính sách y tế trên toàn cầu.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự cuộc họp Hội đồng WHO lần thứ 140

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp Hội đồng WHO lần thứ 140

Nhân dịp tham dự cuộc họp Hội đồng Chấp hành lần thứ 140 của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có một số cuộc họp bên lề với các đối tác.

Bộ trưởng đã có cuộc làm việc với Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cùng với các quốc gia thành viên EB của khu vực Tây Thái bình dương gồm: Fiji, New Zealand, Philippines và Trung quốc để thảo luận về chương trình nghị sự của Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 68 sẽ tổ chức tại Brisbane, Australia vào tháng 10/2017 sắp tới.

Bộ trưởng đã đề xuất một số nội dung cần được đưa vào thảo luận tại chương trình nghị sự của kỳ họp lần thứ 68 gồm: cải cách đào tạo y khoa, cải cách tài chính y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm. Các nội dung này đều được Giám đốc khu vực của WHO và các quốc gia thành viên EB nhất trí cao và sẽ đưa vào thảo luận tại kỳ họp tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc làm việc với Tiến sỹ Mario Raviglione, Giám đốc Chương trình Phòng chống Lao Toàn cầu của WHO để thảo luận về việc hợp tác với Chương trình Phòng chống Lao toàn cầu của WHO để hỗ trợ tổ chức cuộc Đối thoại chính sách về phòng chống lao kháng thuốc tại Cuộc họp cấp cao về Y tế và các nền kinh tế của APEC sẽ tổ chức tại Việt Nam vào tháng 8/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh do Việt Nam chủ trì đăng cai tổ chức.

Nhân dịp này, Giám đốc Chương trình phòng chống Lao toàn cầu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phòng chống lao trong thời gian qua và trân trọng mời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự Hội nghị Phòng chống Lao toàn cầu tại Moscow, Liên bang Nga vào tháng 11/2017 nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quí báu và bài học thành công của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Kim Tiến trở thành giám khảo giải thưởng sức khỏe cộng đồng Sasakawa

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã được Hội đồng Chấp hành của WHO lựa chọn là thành viên của Hội đồng xét thưởng Giải thưởng Sasakawa. Đây là một giải thưởng của Quĩ Sasakawa, Nhật Bản, với tiêu chí dành cho các cá nhân, tổ chức có những sáng kiến, đóng góp, nghiên cứu xuất sắc trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và sức khỏe cộng đồng với trị giá  30.000 USD cho cá nhân và 40.000 USD cho tổ chức/tập thể. Năm 2016 có 15 cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ xét thưởng. Giải thưởng năm nay đã được trao tặng cho một bác sĩ Mông Cổ với nghiên cứu can thiệp về Phòng chống viêm gan B ở cộng đồng.

Bộ trưởng Kim Tiến phỏng vấn sắc bén các ứng cử viên Tổng giám đốc WHO

Đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào các chương trình nghị sự của kỳ họp, đặc biệt Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra các câu hỏi phỏng vấn sắc bén đối với các ứng viên của vị trí Tổng Giám đốc WHO, thể hiện trách nhiệm và vai trò ngày càng cao tại diễn đàn quan trọng nhất về y tế toàn cầu, góp phần đưa tiếng nói của các quốc gia đang phát triển vào quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách y tế toàn cầu trong tương lai.

DANH SÁCH CÁC ỨNG CỬ VIÊN VÀO VỊ TRÍ TỔNG GIÁM ĐỐC WHO

1. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, sinh ngày 03/3/1965, quốc tịch Ethiopia. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ethiopia, và là Bộ trưởng Bộ Y tế Ethiopia (2005-2012). Hiện ông là trợ lý Thủ tướng Ethiopia. Ông được Cộng đồng Châu Phi tiến cử.

2. Bà Favia Bustreo, sinh ngày 17/8/1961, quốc tịch Italia. Bà Favia Bustreo hiện là Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách về sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em tại WHO Tổng hành dinh ở Geneva.

3. Ông Philippe Douste-Blazy, sinh ngày 01/01/1953, quốc tịch Pháp. Ông Philippe Douste-Blazy hiện là Phó Tổng Thư ký và Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về tài chính đổi mới cho phát triển. Ông từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp (1993 – 1995), Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp (1995-1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp (2005-2007)

4. Ông David Nunes Nabarro, sinh ngày 26/8/1949, quốc tịch Anh. Ông David Nunes Nabarro hiện là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Chương trình phát triển bền vững đến 2030 và biến đổi khí hậu, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, và ông đã từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại WHO Tổng hành dinh.

5. Bà Sania Nishtar, sinh ngày 16/02/1963, quốc tịch Pakistan, Bộ trưởng liên bang của Pakistan, Nhà sáng lập và Chủ tịch Tổ chức ND Heartfile, đồng Chủ tịch Ủy ban Phòng chống Béo phì trẻ em của WHO.

6. Ông Miklos Szocska, sinh ngày 27/7/1960, quốc tịch Hungary, Chủ tịch Trung tâm Đào tạo quản lý dịch vụ y tế, Đại học Semmelweis của Hungary. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Y tế Hungary (2010 – 2014)

PGS. TS. Trần Thị Giáng Hương
Ý kiến của bạn