Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Giám đốc Chương trình chống Lao Toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp Đoàn đại biểu của Chương trình chống Lao Toàn cầu do Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình dẫn đầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc cùng Chương trình chống Lao Toàn cầu
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và bà Tereza Kasaeva đã thảo luận về việc triển khai Chiến lược chấm dứt bệnh lao và chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao về bệnh lao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới.
Tiến sĩ Tereza Kasaeva cho biết, WHO đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu của WHO về kết thúc bệnh lao và thông qua Tuyên bố Moscow để chấm dứt bệnh lao. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh lao cao hàng đầu trong khu vực. Việc chuyển biến từ cam kết đến hành động ở Việt Nam sẽ không chỉ làm giảm tỉ lệ tử vong cũng như đau đớn vì bệnh lao trong nước mà còn mang lại lợi ích như một quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Chương trình chống Lao toàn cầu mong muốn thúc đẩy Việt Nam đi tiên phong trong hành động tăng đầu tư trong nước cho chiến lược chấm dứt bệnh lao như đã cam kết trong tuyên bố Moscow và tuyên bố của kỳ họp cấp cao Liên hiệp quốc sắp tới. Điều này cần được thực hiện trong sự phối hợp đa ngành, các đối tác, kể cả tư nhân và các tổ chức xã hội, Tổ chức Y tế Thế giới cam kết hỗ trợ.
Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu cũng đã đề nghị Bộ Y tế Việt Nam tham gia sáng kiến mới cùng liên minh phòng chống lao toàn cầu và Quỹ toàn cầu hướng tới 40 triệu người được phát hiện và được điều trị lao có chất lượng cao nhằm thu hẹp khoảng trống về chăm sóc chuẩn, đồng thời sẽ điều trị cho ít nhất 30 triệu người mắc Lao tiềm ẩn trong 5 năm tới. Chương trình chống Lao toàn cầu cũng mong muốn Việt Nam trở thành một trong các quốc gia tiên phong áp dụng Khung trách nhiệm đa ngành để kết thúc bệnh lao.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc BV Phổi Trung ương PGS.TS Nguyễn Viết Nhung tại buổi làm việc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến Trao đã trao đổi cùng Tiến sĩ Tereza Kasaeva về gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam hiện nay, Việt Nam nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giớ, đứng thứ 16 về số người mắc lao và đứng thứ 13 về lao kháng thuốc; hàng năm có 126.000 ca mắc lao mới hàng năm, 13.000 người tử vong do lao; hơn 60% bệnh nhân lao phải đối diện với chi phí thảm hoạ tức là mất trên 20% thu nhập hộ gia đình vì bệnh lao.
Bộ Y tế đang nỗ lực cho chiến lược phòng chống và chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam: Tăng cường cam kết chính trị các cấp cho chấm dứt bệnh lao; Tăng cường y tế cơ sở, lồng ghép dịch vụ phòng chống lao trong chiến lược bao phủ y tế toàn dân; cung cấp dịch vụ phòng chống lao chuẩn, miễn phí cho mọi người dân ở tất cả các tuyến y tế; Truyền thông giáo dục sức khoẻ để người dân giảm kỳ thị, mặc cảm và tiếp cận sử dụng sớm dịch vụ phòng chống lao…
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đã có một được mạng lưới nghiên cứu Lao và Bệnh phổi thuộc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Lao và Bệnh phổi Việt Nam bao gồm nhiều đối tác trong nước và quốc tế; Chương trình Chống lao Quốc gia đã xác định danh mục các nghiêu cứu ưu tiên giai đoạn 2015-2020, phù hớp với các mục tiêu ưu tiên trong Chiến lược Quốc gia Phòng chống lao; Các nghiên cứu đã có tác động lớn đến chính sách phòng chống lao bao gồm nghiên cứu điều tra mắc lao toàn quốc lần 1, lần 2, nghiên cứu về phát hiện chủ động, nghiên cứu về chi phí y tế với bệnh lao, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và thí điểm nhiều biện pháp can thiệp nhằm hướng chấm dứt lây lan bệnh lao…