Vừa qua, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) đã tổ chức Tổng kết và đánh giá kết quả tổ chức chương trình này sau 5 năm thực hiện. Báo SK&ĐS có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN về đánh giá kết quả và ý nghĩa của chương trình này.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, chương trình Hành trình Đỏ đã thực hiện các mục tiêu đã ra như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:
Tôi đánh giá rất cao Hành trình Đỏ sau 5 năm triển khai, bắt đầu từ 2013. Tôi có thể khẳng định, với sự chủ trì rất bài bản và chuyên nghiệp của Viện Huyết học - Truyền máu TW và các đơn vị tổ chức, tất cả các mục tiêu đã đề ra đều đạt được, quan trọng nhất là việc góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu vào dịp hè hằng năm. Năm 2017 có kết quả tốt nhất với hơn 39.000 đơn vị máu tiếp nhận được; qua 5 kỳ, đã tiếp nhận hơn 130.000 đơn vị. Đó là chưa tính đến sự hưởng ứng Hành trình Đỏ ở nhiều tỉnh/thành phố, nhiều địa phương khác.
Bên cạnh đó, qua các kỳ tổ chức, nhiều cơ sở truyền máu trên cả nước đã xây dựng và triển khai được quy trình tiếp nhận, xử lý và sử dụng máu với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Đây là mục đích hết sức quan trọng, phòng khi xảy ra tai nạn, thảm họa cần truyền máu với số lượng lớn. Qua chiến dịch này, việc tuyên truyền về căn bệnh tan máu bẩm sinh cũng đã được triển khai ở 46 tỉnh/thành phố đã từng tham gia tổ chức Hành trình Đỏ. Hàng ngàn người dân, đặc biệt là các bạn trẻ đã tham gia rất hào hứng và qua đây, chương trình cũng góp phần giáo dục giới trẻ về truyền thống tương thân tương ái, sống có trách nhiệm với cộng đồng.
PV: Dư luận đánh giá cao về tính lan tỏa và những tác động xã hội của Hành trình Đỏ, xin Bộ trưởng đánh giá về điểm này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:
Phải khẳng định rằng, Hành trình Đỏ đã để lại dấu ấn rất tốt đẹp với cộng đồng. Những năm gần đây, ngoài việc tổ chức ở khu vực đô thị, thị xã, thành phố, Hành trình Đỏ được nhiều tỉnh/thành phố triển khai về tới các huyện như Phú Quốc (Kiên Giang), Eakar (Đăk Lăk), Lý Sơn và Đức Phổ (Quảng Ngãi), Nông Cống (Thanh Hóa), Thủy Nguyên (Hải Phòng)...
Ở đâu cũng vậy, không chỉ là các nhà quản lý, các đồng chí lãnh đạo, không chỉ là thanh niên, mà rất nhiều người dân ở nhiều tầng lớp đã rất quan tâm và tới tham dự, thậm chí đứng xếp hàng để được hiến máu. Có những huyện đạt gần 2.000 đơn vị máu trong một ngày.
Chúng ta có thể thấy, tất cả mọi người đều được tham gia, đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thông qua chương trình Hành trình Đỏ, từ những tình nguyện viên xuyên Việt cho tới lực lượng tình nguyện viên ở các địa phương, từ các thành viên Ban tổ chức cho tới những bộ phận hỗ trợ...
Một không khí rất tích cực, khẩn trương, vì thành công chung của từng buổi hiến máu là hình ảnh đặc trưng của Hành trình Đỏ. Như vậy, Hành trình Đỏ đã tác động theo cả chiều rộng, chiều sâu tới số đông người dân, người tham dự.
PV: Thưa Bộ trưởng, với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN, Bộ trưởng có cho rằng Hành trình Đỏ đã tạo “cú hích” cho sự phát triển của phong trào HMTN nước ta không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:
Hành trình đỏ thường kéo dài khoảng 1 tháng; do di chuyển liên tục nên chỉ có thể dừng ở mỗi tỉnh/thành phố 2-3 ngày. Tại mỗi tỉnh, đây thực sự là một chiến dịch lớn với sự vào cuộc và tham gia tích cực của các cấp lãnh đạo, các ngành đoàn thể và của người dân. Việc phối hợp chặt chẽ giữa Ban tổ chức Hành trình Đỏ trung ương và địa phương, việc phối kết hợp các ban ngành, đoàn thể tại địa phương đã khẳng định năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo HMTN là Hội Chữ thập đỏ các cấp rất tốt.
Nhờ việc tổ chức các sự kiện lớn như Hành trình Đỏ, Hội Chữ thập đỏ có thể tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hoạt động khác không chỉ là hiến máu tình nguyện. Đồng thời, qua 5 năm, Hành trình Đỏ đã tạo ra và xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa mạng lưới tình nguyện viên trên cả nước; đây là nhân tố quan trọng giúp duy trì hoạt động HMTN ở nhiều địa phương. Do đó, Hành trình Đỏ đã có ý nghĩa tạo đà cho sự phát triển bền vững phong trào HMTN tại các địa phương trên cả nước.
Điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng cần được truyền tiểu cầu - Một chế phẩm đặc biệt được tách ra từ máu toàn phần. Ảnh V.Thu
PV: Hành trình Đỏ kết thúc đúng lúc dịch sốt xuất huyết đang hoành hành, nhu cầu tiểu cầu chắc chắn tăng cao; vậy chúng ta đã có những kế hoạch gì đảm bảo tiểu cầu cho dịp này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm nay dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ, số người bị sốt xuất huyết nhập viện tăng hơn hẳn. Trong đó, để phòng và điều trị biến chứng xuất huyết, cần loại chế phẩm đặc biệt là tiểu cầu, được tách từ máu toàn phần.
Trong những ngày qua, ngành truyền máu và các cơ sở có tiếp nhận máu trên cả nước đã nỗ lực đảm bảo nguồn máu để duy trì ổn định lượng tiểu cầu cung cấp cho các bệnh viện. Ở một số địa phương có tình trạng khan hiếm máu, chúng tôi có phương án điều tiết giữa các cơ sở truyền máu để có thể đảm bảo nhu cầu truyền tiểu cầu nếu cần thiết.
PV: Thưa Bộ trưởng, những năm sau đây, liệu chúng ta có tiếp tục tổ chức chương trình Hành trình Đỏ nữa không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hành trình Đỏ có ý nghĩa tích cực với việc khắc phục tình trạng khan hiếm máu hè và có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của phong trào HMTN cũng như cho xã hội. Những năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN sẽ tiếp tục coi Hành trình Đỏ là nội dung trọng tâm của chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” hằng năm. Ban chỉ đạo quốc gia cũng đã khuyến khích và kêu gọi các tỉnh/thành phố chủ động đăng ký tham gia tổ chức và hưởng ứng Hành trình Đỏ, vì những mùa hè không thiếu máu.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!