Bộ trưởng Y tế: Đổi mới tài chính y tế, phát triển hệ thống y tế công bằng hiệu quả!

24-08-2017 19:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Báo Sức khỏe Đời sống đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về những thách thức cũng như thành quả Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung đã gặt hái được trong suốt thời gian qua.

Bộ trưởng Y tế  Việt Nam và Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Thomas Price

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế  Việt Nam (bên phải ảnh) và ngài Thomas Price - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ

Các nền kinh tế APEC phải đối mặt với một số thách thức trong y tế, như: chi tiêu tiền túi cho chăm sóc sức khỏe còn cao, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn; y tế hiện tập trung nhiều vào đầu tư cho hệ bệnh viện; hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe chưa cao… Chúng ta sẽ làm gì để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân nhằm bảo đảm tất cả mọi người dân đều được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải đối mặt với các khó khăn về tài chính? Đổi mới tài chính y tế như thế nào để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả?

Báo Sức khỏe Đời sống đã phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về những thách thức cũng như thành quả Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế APEC nói chung đã gặt hái được trong suốt thời gian qua.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong suốt những cuộc họp trong khuôn khổ SOM3 – APEC, chúng ta nói nhiều đến đầu tư cho y tế. Bảo đảm các nguồn tài chính y tế đó có phải là một điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để đạt được bao phủ y tế toàn dân, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế đóng một vai trò then chốt trong hợp tác APEC. Chủ đề xuyên suốt là “cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”. Đầu tư tài chính cho y tế và xây dựng hệ thống y tế sáng tạo và hiệu quả là hỗ trợ thiết thực cho các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới “Một Châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020” và tầm nhìn 2030. Bao phủ y tế toàn dân (UHC) là một mục tiêu cụ thể trong các mục tiêu phát triển bền vững cũng như là nền tảng kết hợp các chương trình, hành động cho sức khỏe và phát triển.

Chủ đề của hội nghị này là “y tế và kinh tế” nhưng đồng thời cũng đặt ra một vấn đề cải tổ, đổi mới cơ chế về tài chính y tế. Vì thế, bảo đảm các nguồn tài chính đủ và bền vững cho y tế là rất quan trọng, nhưng đó không phải là một điều kiện tiên quyết duy nhất để đạt được bao phủ y tế toàn dân.

Nếu như Việt Nam chúng ta gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính cho y tế, các thành viên khác trong APEC cũng giống như vậy. Trong cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế diễn ra hai ngày 23 – 24/8/2017, nhiều diễn giả đã báo cáo việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe (tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất…) sẽ đóng vai trò quan trọng, có thể mang lại tiết kiệm đáng kể chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các dịch vụ y tế.

Trong một loạt các đối thoại chính sách, từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản, một quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi rất cao. Y tế Nhật Bản cũng đi đầu trong việc hình thành chính sách về tài chính chăm sóc người cao tuổi. Nhưng nhiều năm trước, chính sách này cũng suýt nằm trên bờ vực “phá sản” vì chi quá lớn, tức là họ đã tập trung quá nhiều vào bệnh viện. Cho nên, chiến lược của Nhật Bản trong vòng 10 năm, trong bối cảnh gia tăng các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số, y tế Nhật Bản chuyển hướng chăm sóc sức khỏe thay vì tập trung vào bệnh viện chuyển sang chăm sóc sức khỏe tại y tế cơ sở và gia đình. Điều này, hơn nữa, còn rất phù hợp với vấn đề văn hóa phương Đông.

Hai Bộ trưởng Y tế Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự lễ khánh thành EOC tại Viện Pasteur TP.HCM

Hai Bộ trưởng Y tế Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự lễ khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM

Trên lộ trình tiến tới bao phủ y tế toàn dân, chúng ta sẽ phải sử dụng các nguồn tài chính sẵn có một cách hiệu quả và có chiến lược, sắp xếp mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp, quy định về chất lượng và an toàn của dịch vụ y tế, trao quyền cho người dân và cộng đồng về nhận thức sức khỏe của họ.

Quá trình này đòi hỏi các quy định hiệu quả để có thể khai thác các phương pháp tiếp cận năng động và sáng tạo, từ cả khu vực y tế công cho đến y tế tư nhân, trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của hệ thống y  tế. Các nền kinh tế APEC có cùng mức chi tiêu y tế tương tự nhưng lại đạt được các kết quả cung cấp dịch vụ tế và chăm sóc sức khỏe khác biệt đáng kể; rõ ràng, không phải một lựa chọn chính sách cụ thể nào có thể phù hợp với mọi hoàn cảnh, môi trường khác nhau.

Mỗi nền kinh tế APEC, xét về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hóa, cần xác định phương pháp hiệu quả nhất để đảm bảo mọi người dân và cộng đồng được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng tốt nhất mà không gặp khó khăn về tài chính.

PV: Như Bộ trưởng vừa nói ở trên, mỗi một nền kinh tế APEC có một chính sách y tế riêng, Việt Nam chúng ta làm như thế nào trên con đường giải quyết các vấn đề phức tạp của hệ thống y tế, cũng như nhằm mục tiêu bao phủ y tế toàn dân?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Việt Nam đã thực hiện rất nhiều biện pháp để đạt được bao phủ y tế toàn dân. Một ví dụ điển hình cần nhấn mạnh là việc đưa nhóm người nghèo và người dễ bị tổn thương khác như lao động nhập cư, dân di cư… vào ngay giai đoạn đầu của quá trình hỗ trợ tài chính cho chăm sóc sức khỏe của nền kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế trên toàn quốc.

Nguồn tài chính công từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế xã hội được coi là nền tảng để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hệ thống bảo hiểm y tế xã hội đã được thành lập từ năm 1992 và đến nay bao phủ khoảng 82% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế ở một số nền kinh tế thành viên APEC, cũng như ở Việt Nam, chúng ta cần có một cơ chế để huy động nguồn tài chính bổ sung để mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhóm dân cư. Các cơ chế tài chính đổi mới và sáng tạo đó có thể là: quỹ nâng cao sức khỏe từ thuế các hàng hóa tác động tiêu cực đến sức khỏe, tài khoản tiết kiện y tế, bảo hiểm y tế tư nhân, bảo hiểm y tế vi mô, bảo hiểm cho chăm sóc dài hạn…

Ngoài ra, giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC, Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như: chi tiêu tiền túi cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn… Bên cạnh đó, chúng ta hiện nay dường như tập trung nhiều vào các dịch vụ điều trị, vào hệ thống bệnh viện, trong khi tăng cường chưa đủ cho các hoạt động dự phòng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ ban đầu và tuyến cơ sở thấp…

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm và các nguồn lực cho tuyến chăm sóc ban đầu giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế công cộng và thiết yếu an toàn và trong khả năng chi trả. Việc huy động lại các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực

PV: Bên lề hội nghị, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều nền kinh tế APEC gắn liền y tế với dịch vụ con người, lao động, phúc lợi xã hội… Ở Việt Nam, y tế đóng vai trò như thế nào, thưa Bộ trưởng?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Bất kể như thế nào, ở bất kể nền kinh tế APEC nào, con người và sức khỏe con người đều là nền tảng của mọi sự phát triển về kinh tế - xã hội và văn hóa. Từ những cuộc họp đầu tiên của tổ công tác y tế trong khuôn khổ SOM3 – APEC, Việt Nam chúng ta đã nhấn mạnh phải “đưa y tế vào toàn bộ chính sách – health in all policies”. Điều đó có nghĩa là tất cả các chính sách đều phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Y tế không chỉ đơn giản chỉ dành riêng cho một mình ngành y tế mà đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chính sách y tế được lồng ghép trong tất cả chính sách các lĩnh vực, sẽ giúp cho ngành y tế phát triển, góp phần hữu hiệu vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngành y tế Việt Nam vẫn khẳng định đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ là động lực, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe luôn được xác định là ưu tiên trọng tâm để tăng năng suất lao động xã hội. Từ các lợi ích kinh tế cũng cần đầu tư lại cho chăm sóc sức khỏe.

PV: Bao phủ y tế toàn dân, già hóa dân số và các bệnh truyền nhiễm, lao và lao đa kháng, giám sát ung thư cổ tử cung… là những vấn đề nổi bật trong các cuộc đối thoại chính sách thuộc khuôn khổ Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế. Những vấn đề này đóng vai trò như thế nào trong mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh vào năm 2020?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Trong cuộc họp SOM3 – APEC 2017, các thành viện nền kinh tế APEC tái khẳng định cam kết thực hiện Sáng kiến vì một Châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020, khởi xướng từ năm 2014, trong đó kêu gọi xây dựng theo hướng tiếp cận sức khỏe với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và toàn khu vực. Tại các cuộc hội thảo đối thoại chính sách APEC 2017, Việt Nam và 20 nền kinh tế APEC còn lại cũng đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và hợp tác để đạt được các mục tiêu đề ra. Bao gồm: phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống ung thư cổ tử cung, già hóa năng động và khỏe mạnh, lao và lao đa kháng...

Đặc biệt, chúng ta còn phải chung tay hợp tác trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, cũng như đối phó với tình trạng dân số già. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Và hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đều đang phải đối mặt, khi khu vực APEC chiếm khoảng 50% người cao tuổi trên toàn thế giới.

Phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một trong những trọng tâm ưu tiên của các nhà lãnh đạo APEC. Trong đối thoại chính sách y tế thúc đẩy già hóa khỏe mạnh và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm APEC, chúng ta có một bức tranh tổng thể của khu vực về các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số và tìm kiếm những khuyến nghị chính sách phù hợp với luật pháp, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên cũng như của APEC nói chung, hướng tới một Châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh, phát triển thịnh vượng, thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2020.

PV: Một câu hỏi cuối cùng, xin được hỏi Bộ trưởng, trong một hoạt động bên lề hội nghị APEC lần này là Việt Nam và Hoa Kỳ, mà đại diện là ngài Thomas Price - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ, đã cắt băng khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam:

Khai mạc cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế ngày 23/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, „Thế giới hiện này trở nên vô cùng nhỏ bé, và kết nối ngày càng chặt chẽ.“ Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng không chỉ đe dọa riêng đối với Việt Nam mà còn thách thức toàn cầu. Dịch bệnh có thể lây truyền xuyên quốc gia, xuyên lục địa, bùng phát nhanh chóng trong vòng vài giờ, vài ngày trên khắp các châu lục như một số bệnh dịch trong thời gian gần đây, như SARS, cúm (H1N1, H5N1, H7N9), MERs-Cov, Ebola, Zika… Những vấn đề sức khỏe này đã ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và gây tổn thất nền kinh tế cho khu vực APEC cũng như toàn cầu.

Trong một hoạt động bên lề hội nghị APEC lần này là Việt Nam và Hoa Kỳ, mà đại diện là ngài Thomas Price - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ, đã cắt băng khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM.

Khánh thành EOC tại Viện Pasteur TP.HCM

Hai Bộ trưởng Y tế Việt Nam và Hoa Kỳ cắt băng khánh thành trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) phía Nam tại Viện Pasteur TP.HCM

Một lần nữa, thông qua hoạt động này, Việt Nam đã cam kết tham gia Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (Global Health Security Program - GHS) do chính phủ Hoa Kỳ, các Tổ chức quốc tế và các quốc gia xây dựng và triển khai, nhằm phản ứng chủ động đối với các sự kiện y tế công cộng, đặc biệt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi. Trong GHS, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc áp dụng mô hình EOC vào công tác phòng chống dịch bệnh cũng như đáp ứng các vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng trong nước, trong khu vực APEC và toàn cầu.

Từ tháng 5/2013, Việt Nam chúng ta đã có một EOC đặt tại Bộ Y tế, chủ động vận hành đáp ứng khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh như: đáp ứng với Ebola, MER-CoV, cúm H7N9 vốn bùng phát ở nhiều quốc gia và có nguy cơ lớn xâm nhập vào Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động kích hoạt EOC nhằm đáp ứng với Zika năm 2016 và sốt xuất huyết Dengue năm nay. Công tác diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp tình huống khẩn cấp về y tế công cộng xảy ra cũng được triển khai thường xuyên.

Hoạt động của EOC đã phát huy được vai trò trong việc gắn kết và điều phối thông tin và nguồn lực giữa các đơn vị trong Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các Tổ chức quốc tế đặc biệt là US CDC (Cục Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) , FAO (Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc) và các đơn vị liên quan khác trong công tác đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc trao đổi của báo Sức khỏe và Đời sống.


AN QUÝ – NGUYỄN HUYỀN thực hiện
Ý kiến của bạn