Cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào ngày 6/3. Tại đây các Bộ trưởng Y tế EU đã cùng thảo luận tìm cách hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại khu vực.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng: “Dịch đang xuất hiện tại châu Âu và thách thức hiện nay là làm sao để kiềm chế tốc độ lây lan và ngăn chặn dịch bệnh”. Người đứng đầu ngành y tế Đức thừa nhận dịch bệnh mới đã xuất hiện và lây lan tại châu Âu, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ chính hiện nay là vừa kiềm chế lây lan vừa phát triển các phác đồ điều trị. Ông cũng cho biết, chưa thấy cần phải hạn chế hoạt động tự do đi lại qua biên giới các nước trong liên minh.
Bộ trưởng Y tế CH Séc Adam Vojtech cho biết, các nguồn cung cấp đồ bảo hộ và khẩu trang bị giới hạn nên các nhân viên y tế châu Âu cần được ưu tiên tiếp nhận những trang thiết bị bảo hộ này trong khi các đơn vị sản xuất đang tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu. “Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với các nhà sản xuất để cung cấp cho thị trường, nhưng sản xuất bị hạn chế. Nhu cầu cao hơn nhiều so với nguồn cung trên toàn thế giới. Thật không dễ dàng", ông nói.
Dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra lần đầu tiên xuất hiện tại Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 12/2019 và nhanh chóng lan rộng ra khắp quốc gia này trước khi lan sang nhiều nước khác. Tính tới nay, gần 3.400 người tử vong và gần 100.000 người được xác nhận nhiễm bệnh tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mặc dù chưa chịu tác động mạnh như tại Trung Quốc nhưng châu Âu đang chứng kiến dịch bệnh diễn biến rất nhanh, đặc biệt là ở Italy - nơi được coi là "ổ dịch lớn" của châu lục khi có tới 148 người tử vong chỉ trong vòng hơn 2 tuần qua.
Các quan chức EU đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hành động nhưng các thành viên lớn của EU như Đức và Pháp đã cấm xuất khẩu những sản phẩm bảo hộ y tế như khẩu trang và găng tay. "Đây không phải là điều sẽ được giải quyết vào nay mai, nhưng chúng ta phải bắt đầu cuộc thảo luận hôm nay để có giải pháp sau ngày mai", Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober nói với các phóng viên tại cuộc họp ở Brussels.
Ủy viên EU phụ trách vấn đề Y tế Stella Kyriakides khẳng định các bên sẽ đánh giá công tác chuẩn bị đáp ứng nhu cầu của mỗi quốc gia thành viên và cũng đánh giá mức độ đoàn kết cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.
Trước đó, hồi tháng 2, EU cũng kêu gọi một cuộc họp bất thường của các Bộ trưởng Y tế EU và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19). Vào thời điểm đó, châu Âu mới chỉ có 30 trường hợp mắc bệnh, tuy nhiên WHO đã cảnh báo rằng các trường hợp mắc mới ở bên ngoài Trung Quốc có thể gia tăng trong thời gian tới. Đối với các biện pháp hạn chế đi lại ở châu Âu đều phải được quyết định bởi 27 quốc gia thành viên vì tất cả các thành viên EU đều tuân theo Hiệp định đi lại tự do Schengen.