Hà Nội

Bộ trưởng Y tế các nước Đông Nam Á họp khẩn đối phó với Zika

19-09-2016 19:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tại cuộc họp khẩn về ứng phó với Zika qua video của 10 Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn các nước ASEAN và WHO Tây Thái Bình Dương, các Bộ trưởng ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm vào thảo luận phương hướng phòng chống Zika và ra Tuyên bố chung.

Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp trên Thế giới, đặc biệt gần đây có xu hướng tăng nhanh tại các nước khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế các nước ASEAN, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương (WHO Tây Thái Bình Dương) và Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt về ứng phó với dịch bệnh này vào chiều 19/9.

Tại điểm cầu Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam chủ trì cuộc họp, cùng với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo các Vụ/Cục chức năng trực thuộc Bộ Y tế.

Zika, ung pho Zika, Bo truong Y te cac nuoc Dong Nam A hop khan de doi pho voi Zika - Bo truong Y te Thai Lan

Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN và WHO Tây Thái Bình Dương họp khẩn ứng phó với Zika

Nhiều quốc gia trong khu vực ghi nhận bệnh nhân mắc Zika

Thông tin tại cuộc họp cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 19/9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika. Tại Đông Nam Á, tính đến ngày 19/9, có 7 quốc gia của ASEAN đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Hiện nay có một số nước là: Lào, Brunei, Myanmar chưa ghi nhận có ca bệnh nào.

Hầu hết các nước trong khu vực ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika trong hai năm gần đây. Tổng số ca nhiễm tại Thái Lan là 314 trường hợp mắc Zika. Số các ca mới mắc trong các tuần gần đây là 35 ca. Có 13 tỉnh phát hiện các ca mới. Số phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi Zika trong năm 2016 là 33 ca với 8 trường hợp sinh con bình thường.

Đặc biệt, từ cuối tháng 8 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch với số mắc tăng nhanh, có tổng số 368 ca mắc. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng virus có nguồn gốc châu Á đã từng lưu hành trong những năm 1960, không phải chủng xâm nhập từ châu Mỹ.

Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika bùng phát tại Singapore, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng cường các biện pháp giám sát tại cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm và ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, đến ngày 16/9, hệ thống giám sát dịch bệnh đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên. Đây là ba trường hợp nhiễm virus Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Như vậy, Việt Nam cũng đã có sự lưu hành của virus Zika trong cộng đồng.Kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu virus tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ châu Á và mẫu virus tại TP Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Ngoài ra, có 3 trường là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam (1 công dân Úc, 1 công dân Đức và một người Đài Loan).

Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp ứng phó Zika

Tại cuộc họp trực tuyến qua video này, các Bộ trưởng Y tế ASEAN, Ban thư ký ASEAN và WHO Tây Thái Bình Dương đã cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra đề xuất về phòng chống Zika.

TS. Takeshi, giám đốc chương trình quản lý WHO Tây Thái Bình Dương nêu rõ Tây Thái Bình Dương hiện là khu vực bị ảnh hưởng bởi Zika lớn thứ 2 trên thế giới, với 19 nước đã có ca nhiễm Zika, đây không phải là dịch mới nhưng gần đây ở nhiều nơi trên thế giới có ghi nhận phức tạp. TS. Peter Graaf, văn phòng WHO cho rằng hiện cần đưa BHYT vào phát hiện và điều trị Zika; tìm ra vaccin và biện pháp dịch tễ học để phòng chống Zika, bảo vệ phụ nữ mang thai, vì bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục nên cần có biện pháp bảo vệ.

Dr. Takeshi nhấn mạnh nguy cơ Zika tại khu vực Tây Thái Bình Dương & ASEAN (Video: BV)

Theo Bộ trưởng Y tế Lào PGS. TS. Bounkong Sihavong, dù Lào chưa ghi nhận ca nhiễm Zika nào, nhưng đảm bảo phòng chống Zika và Ebola theo hướng dẫn của WHO, khống chế các tin đồn về zika là rất cần thiết. Philippines hiện đang tăng cường năng lực phòng thí nghiệm cũng như hướng dẫn phòng Zika cho phụ nữ mang thai và dân thường, đưa BHYT vào phát hiện và điều trị Zika.

Philippines chia sẻ kinh nghiệm ứng phó Zika (Video: BV)

GS. Eng Huot, Bộ trưởng Y tế Campuchia chia sẻ, Campuchia đã thiết lập mạng lưới giám sát và khống chếZika, chia sẻ thông tin từ tất cả các tỉnh và xây dựng năng lực phòng thí nghiệm, nhờ vậy, từ năm 2007-2010, tại Campuchia đã phát hiện trường hợp nhiễm zika bởi lực lượng quân y, nhưng sau đó đã không còn trường hợp Zika xuất hiện mới.

Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết Zika không phải là căn bệnh mới, và Singapore từ trước đã có kế hoạch ứng phó Zika về mặt lâu dài. Vì chưa có vaccin phòng bệnh, nên đối với ASEAN, giám sát và khống chế vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. ASEAN cũng cần có phương hướng bền vững chống Zika về mặt lâu dài.

Bộ trưởng Y tế Singapore chia sẻ kinh nghiệm ứng phó Zika (Video: BV)

GS lâm sàng Emeritus Piyasakol Sakolstayadorn, Bộ trưởng Y tế Thái Lan bày tỏ tin tưởng trong những năm qua, đã có một vài dịch bệnh và cứ mỗi lần ứng phó với dịch bệnh là ASEAN trở nên lớn mạnh hơn, nâng cao năng lực và ứng phó dịch bệnh hiệu quả hơn, nên ông rất hy vọng ASEAN sẽ đối phó thành công với Zika.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định và dự báo, các ổ dịch virus Zika ở Việt Nam hiện nay là các ca bệnh đơn lẻ, trong thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh mới. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để ngăn ngừa dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; song song với đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ.

Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ diễn biến Zika và tình hình ứng phó ở Việt Nam (Video: BV)

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex để giám sát, sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm Zika, sốt xuất huyết, Chikunggunia. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy…  “Tất cả những biện pháp này cùng với sự vào cuộc và phối hợp của cả hệ thống chính trị, của người dân, cố gắng không để dịch bệnh do vi rút Zika  lây lan và thành dịch lớn ở Việt Nam”.

Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn 10 nước ASEAN đi đến thống nhất Tuyên bố chung với các nội dung như: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các nước sẽ đẩy mạnh các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác; Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Y tế ASEAN về Mối đe dọa Virus Zika tại khu vực

Tuyên bố chung cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Y tế ASEAN về Nguy cơ virus Zika tại khu vực nêu rõ trước tình hình lây lan của bệnh dịch do virus Zika gây ra và những biến chứng gắn với nó bao gồm bệnh đầu nhỏ và các rối loạn thần kinh khác, WHO đã tuyên bố zika đã trở thành mối nguy khẩn cấp về y tế công cộng đã được ghi nhận ở 72 quốc gia trên toàn cầu. Nhằm chuẩn bị cho các hoạt động ứng phó của tất cả các nước thành viên ASEAN trước dịch Zika, bao gồm xây dựng năng lực giám sát, phòng thí nghiệm, kiểm soát vector, truyền thông nguy cơ công cộng, các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã nhất trí tăng cường chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh do virus Zika gây ra cũng như các bệnh mới nổi và tái xuất hiện ở khu vực bằng các biện pháp như:

- Tăng cường giám sát dịch trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, WHO, ASEAN-EOC, Mạng lưới đào tạo dịch tễ học ASEAN 3 (APT-FETN),…

- Có các biện pháp thích hợp để kiểm soát nguy cơ bằng cách tăng cường các phương pháp kiểm soát vector, đảm bảo tiếp cận chuẩn đoán xét nghiệm Zika trong các nước, củng cố mạng lưới phòng thí nghiệm quốc gia và truyền thông thích hợp

- Tiến hành nghiên cứu và chia sẻ kiến thức mới về bệnh liên quan tới virus Zika, thông qua cơ chế hợp tác dựa vào ASEAN gồm APT-FETN, SEAMEO-TROPMED, và các diễn đàn khác khác bao gồm Chương trình An ninh Y tế toàn cầu (GHSA).

Các Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn của 10 nước ASEAN cũng cam kết triển khai các chiến lược đã đề ra nhằm đảm bảo an ninh y tế và sức khỏe, hạnh phúc cho người dân.

Bộ trưởng trả lời báo giới Việt Nam sau cuộc họp khẩn ứng phó Zika của các Bộ trưởng Y tế ASEAN. (Video: BV)

Việt Nam tăng cường giám sát, không để Zika bùng phát thành dịch lớn

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này tại các nước trong khu vực, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ, cập nhật kế hoạch, hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia các biện pháp loại trừ muỗi, bọ gậy tại cộng đồng; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo giám sát bệnh nhân, véc tơ truyền bệnh tại cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, các Trung tâm Y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch trên toàn quốc tăng cường việc giám sát, truyền thông phòng chống bệnh do vi rút Zika tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát chặt chẽ các đối tượng về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika; hướng dẫn các biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khỏe để chủ động đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh.

Thái Bình - Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn