Hà Nội

Bộ trưởng VHTT-DL Nguyễn Ngọc Thiện: Phải lên án, phê phán những hành vi phản văn hoá, phi đạo đức

05-06-2019 22:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Chiều 5/6, sau khi hoàn tất chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, các đại biểu Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành chất vấn, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chính.

Các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh. Công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện có 5 phút phát biểu trước Quốc hội. “Ngành văn hoá, thể thao và du lịch là ngành quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội. Có thể nói, ngành luôn có nhiều vấn đề nóng. Trong báo cáo gửi Quốc hội chúng tôi đã nêu đến những vấn đề sẽ đề cập đến trong buổi chất vấn. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ cố gắng trả lời tốt nhất trong khả năng của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, vụ việc ở chùa Ba Vàng, việc xử phạt hành chính đối với bà Phạm Thị Yến bị phạt 5 triệu đồng, theo quy định của pháp luật, chúng tôi thấy rằng phạt bằng tiền thì nhỏ, vấn đề cần tăng nặng xử phạt về hành chính. Quan trọng hơn là phải lên án, phê phán những hành vi phản văn hoá, phi đạo đức.

Về vụ 152 khách Việt bỏ trốn khi du lịch ở Đài Loan, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đây là một “vết nhơ” của ngành du lịch và cần phải lên án, xử lý. Để xảy ra vụ việc là trách nhiệm thuộc về sự quản lý của các cơ quan nhà nước, công tác thanh tra kiểm tra chưa tốt. Ở đây cũng có sự vi phạm của các doanh nghiệp. Qua vụ việc, Bộ cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, các công ty lữ hành, đồng thời tuyên truyền xử lý vi phạm. Mặt khác cũng cẩn trọng hơn trong việc xét duyệt cấp giấy phép lữ hành quốc tế cho các công ty.

Về phát triển du lịch, hiện nay, các thủ tục hành chính phải tạo điều kiện thông thoáng, nhưng bài toán đặt ra bây giờ là phải hậu kiểm như thế nào. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành, du lịch. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, khuyến cáo khách du lịch chọn những công ty lữ hành có năng lực.

Có 60 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Các đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội); Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ); Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre); Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang);... chất vấn Bộ trưởng các vấn đề: Chi ngân sách đầu tư cho văn hóa; giải pháp căn cơ, đột phá để du lịch tăng trưởng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi mê tín dị đoan ở những cơ sở tâm linh; xử lý hành vi lợi dụng tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật; ngăn chặn tình trạng đi du lịch nước ngoài bỏ trốn; xử lý các tour du lịch không đồng; quản lý nguồn thu công đức, chi lễ hội;...

Cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thông tin và Truyền Thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.


Lê Tùng
Ý kiến của bạn