Bộ trưởng Thăng yêu cầu thanh tra phương tiện sử dụng Uber

23-12-2014 09:43 | Thời sự

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao cơ quan chức năng thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như phương tiện mà Uber sử dụng.

Chiều 22/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm việc với đại diện phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Uber.

"Ý tưởng của chúng tôi là phát triển một ứng dụng để phát huy lợi thế và hiệu quả của các phương tiện vận tải. Sau 4 năm, các hoạt động của Uber đã trải rộng trên 260 thành phố của 53 quốc gia", đại diện của Uber cho biết.

Uber đã tạo ra một loại hình dịch vụ mới giúp người di chuyển có lựa chọn về phương tiện đáng tin cậy và an toàn hơn, vị lãnh đạo khu vực của Uber khẳng định. "Cùng với đó, trước khi sử dụng dịch vụ này, người sử dụng có thể biết trước được tài xế, loại xe và mức phí của quãng đường mà mình đi".

uber-5381-1419246120.jpg

Taxi Uber đã triển khai ở TP HCM.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải khuyến khích hoạt động kinh doanh của Uber cũng như các doanh nghiệp khác tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Trước việc đại diện của Uber khẳng định công ty này không kinh doanh vận tải mà chỉ phát triển công nghệ với phần mềm ứng dụng, Bộ trưởng cho rằng, Uber không phải là đối tượng quản lý của Bộ Giao thông. Tuy nhiên, Uber lại gắn với các hoạt động kinh doanh vận tải, nên cần có sự quan tâm để tạo điều kiện cho Uber hoạt động hiệu quả, giảm chi phí và cước vận tải, nhưng cũng đảm bảo được nghĩa vụ với nhà nước và trên hết là đảm bảo an toàn cho người dân.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Vụ Vận tải có công văn đề nghị Uber ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu đơn vị phải có giấy phép kinh doanh vận tải theo nghị định 86: xe hoạt động phải có phù hiệu, logo, thiết bị giám sát hành trình… thì mới được cung cấp dịch vụ.

Bộ trưởng cũng giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra đột xuất hoặc định kỳ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như thanh tra các phương tiện mà Uber sử dụng. Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm, phương tiện không được hoạt động.

Bộ trưởng cũng đề nghị Uber nghiên cứu ứng dụng công nghệ tương tự trên lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hóa, nhằm hướng tới giảm chi phí lưu thông hành khách, hàng hóa hai chiều trên những chặng dài, tiết kiệm, hiệu quả, giảm mật độ lưu thông và đảm bảo an toàn hơn.

Uber là loại hình dịch vụ vận tải thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và người lái xe. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Hành khách chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường, trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%.

 


Ý kiến của bạn