Hà Nội

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Hàn Quốc, Nhật bản chuyến đi mang nhiều thông điệp

05-02-2017 10:54 | Quốc tế
google news

SKĐS - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và Hàn quốc, tái khẳng định cam kết sát cánh cùng các đồng minh...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và Hàn quốc, tái khẳng định cam kết sát cánh cùng các đồng minh truyền thống trong bối cảnh có nhiều lo ngại chính quyền của ông Donald Trump sẽ “lạnh nhạt” với Seoul và Tokyo.

Trong chuyến thăm Nhật bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tái khẳng định cam kết về Hiệp ước quốc phòng với Nhật Bản. “Mỹ sẽ bảo vệ các quần đảo Nhật bản khỏi các tuyên bố chủ quyền và nguy cơ đe dọa từ hạt nhân Triều Tiên”, ông James Mattis tuyên bố.  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh “các hành động khiêu khích của Triều Tiên như thử nghiệm tên lửa, hạt nhân cũng như hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông càng thúc đẩy cam kết của Mỹ đối với an ninh quốc phòng của Nhật Bản”.

Tại Hàn quốc, ông James Mattis có cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin, nhằm  tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga. Ông Mattis đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc, trong đó có cả việc sử dụng sức mạnh răn đe mở rộng cũng như huy động mọi khả năng quân sự, cả hạt nhân và thông thường.

Bộ trưởng Mattis đã bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hàn Quốc và Nhật bản. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ông cũng là thành viên đầu tiên trong chính quyền mới ở Mỹ sang thăm Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng mục đích chính của chuyến thăm là nhằm xoa dịu và trấn an các đồng minh truyền thống khi trước đó đã có những nghi ngại rằng chính quyền của ông Donald Trump “bỏ rơi” các đồng minh. Trong suốt quá trình tranh cử và ngay trong những ngày đầu chính thức nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những quan điểm cứng rằn rằng “Hàn quốc và Nhật bản cần tự bảo vệ mình hoặc chi tiền để Mỹ có thể bảo vệ họ”. Do đó, việc ông Mattis chọn Hàn quốc và Nhật bản trong chuyến thăm đầu tiên không chỉ úy lạo hai đồng minh truyền thống mà còn gửi tới một thông điệp rằng “Mỹ luôn sát cánh cùng các đồng minh”.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Hàn quốc và Nhật bản trong chuyến công du đầu tiên.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Hàn quốc và Nhật bản trong chuyến công du đầu tiên.

Một minh chứng cho động thái này là việc tại Tokyo, ông Mattis đã khẳng định rằng Mỹ công nhận quyền quản lý của Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis nói thêm là quần đảo này nằm trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật, hàm ý là Mỹ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.  Ông Mattis cũng đã nói với người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada rằng 2 bên (Nhật-Mỹ) sẽ thống nhất mô hình “chia sẻ chi phí” cho các hoạt động quân sự chung. "James Mattis đã nói tất cả những điều đúng đắn. Mục tiêu của chuyến đi ro ràng để trấn an" Anthony Ruggiero, một thành viên cao cấp của Quỹ Quốc phòng Mỹ nói.

Mọi việc có dễ theo ý Mỹ?

Dưới góc nhìn phân tích, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra tuyên bố mạnh mẽ “sẽ bảo vệ các hòn đảo của Nhật bản khỏi các tuyên bố chủ quyền” được cho là một thông điệp khác gửi đến Bắc Kinh.

Việc người đứng đầu Bộ Quốc phòng gửi thông điệp “bảo vệ các hòn đảo của Nhật bản trước các tranh chấp chủ quyền” chắc chẵn sẽ khơi lên những “va chạm mới” trong quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự tiếp nối trong chính sách ngoại giao thời Tổng thống Donald Trump và cựu Tổng thống Obama.

Về vấn đề Biển Đông, ông Mattis tỏ ra thận trọng hơn. CNN cho biết ông James Mattis khẳng định là Washington hiện không tính đến những hành động quân sự quy mô, mà sẽ dồn mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, người lãnh đạo Lầu năm góc vẫn chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh « đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực ». Tong Zhao, một nhà nghiên cứu chính trị ở Đại học Carnegie Thanh Hoa- Bắc Kinh, Trung Quốc  cho rằng đây là một động thái cảnh báo về mối quan hệ an ninh sâu entre Mỹ và Nhật Bản. "Đây sẽ là một sự thất vọng lớn đối với Bắc Kinh," ông nói.

Tất nhiên, Trung quốc sẽ không im lặng. Trong một phản ứng ngay tức thì hôm 4/2, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, yêu cầu Mỹ không nói đến vấn đề này, và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ chấp nhận một thái độ trách nhiệm và ngừng đưa ra những nhận xét sai lệch về vấn đề chủ quyền của quần đảo Điếu Ngư. Chỉ có làm như vậy sẽ tránh thêm chuyện làm phức tạp vấn đề hoặc thêm các yếu tố bất ổn cho khu vực”.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng cam kết của Mỹ và đồng minh Hàn quốc trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có thể sẽ khiến Triều Tiên tức giận và có những hành động trả đũa sớm hơn trong những ngày tới.

"Những hành động của ông James Mattis cho thấy chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump vẫn còn nhiều vấn đề để ngỏ", Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney (Australia) cho biết.

Trước đó, ngày 31/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông sẽ kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và các khu vực lân cận. Dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp tại Washington vào ngày 10/2 tới.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn