Liên quan đến tình hình bệnh sởi đang được dư luận và người dân quan tâm trong thời gian gần đây, sáng ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thị sát thực tế và làm việc tại BV Nhi Trung ương cùng đại diện một số BV trên địa bàn Hà Nội.
* Thông tin mới nhất báo SKĐS nhận được: Hà Nội quyết định không công bố dịch sởi.
Bác sĩ tuyến trên sẽ về tuyến dưới chữa sởi
Theo báo cáo của Giám đốc BV Nhi TW, từ tháng 1/2014 đến tháng 3 có 211.504 bệnh nhân (BN) đến khám trong đó, sởi và sốt phát ban dạng sởi là 1.953 (chiếm 0,92%) BN. Tỷ lệ BN tử vong và xin về do bệnh nặng là 428 BN, trong đó tử vong do sởi và liên quan đến sởi là 103 BN (chiếm 24,06%). Đặc biệt, tính riêng địa bàn Hà Nội, đã có 532/1.289 trường hợp BN mắc sởi, chiếm 41,27 %.
Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng cho thấy, tính đến nay, cả nước đã có 8.446 ca nghi sởi, trong đó, xét nghiệm được 4.758 ca và dương tính là 3.131 chiếm hơn 46%. Trong đó số ca khẳng định sởi bằng xét nghiệm cả nước là 3.126 ca (miền Bắc chiếm 74,5%).
Qua khảo sát thực tế một số khoa phòng của BV Nhi TW, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm trong công việc của các cán bộ y tế tại BV. Dựa trên tình hình thực tế và báo cáo của BV, Bộ trưởng đã yêu cầu BV Nhi TW cần thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, BV cần nhanh chóng giảm tải, giảm tỷ lệ tử vong, phòng chống nhiễm khuẩn. Theo đó, Bộ trưởng đã đề nghị BV Đống Đa sẽ là BV vệ tinh cho BV Nhiệt đới TW, BVĐK Xanh Pôn làm BV vệ tinh cho BV Nhi TW và BV Thanh Nhàn sẽ làm BV vệ tinh cho BV Bạch Mai. Tiếp đó, các BV tuyến trên cần cử cán bộ đến các BV vệ tinh và tuyên truyền cho người dân rõ rằng khám bệnh tại đây cũng giống như khám bệnh tại các BV tuyến trên nhằm giảm bớt sự quá tải. Về công tác phòng chống nhiễm khuẩn, yêu cầu các khoa phòng của BV cần thực hiện các biện pháp giúp cho phòng bệnh luôn được thông thoáng, thực hiện liên tục công tác sát khuẩn. Đặc biệt, BV Nhi cần quan tâm đến vấn đề cách ly, phân loại BN ngay từ khoa khám bệnh của BV nhằm giảm thiểu sự lây lan giữa các BN.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát tình hình bệnh sởi tại BV Nhi Trung ương.
Liên quan đến vấn đề công bố dịch, Bộ trưởng cho biết, việc công bố dịch được thực hiện theo Quyết định của Chính phủ quy định về điều kiện công bố dịch. Theo đó, sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương. Khi có 2 tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao. Về các điều kiện khác như virus sởi biến đổi gene, thay đổi độc lực thì các nghiên cứu của Bộ Y tế, cũng như thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng chưa phát hiện bất thường. Việc Bộ Y tế chưa công bố dịch sởi không có nghĩa là không triển khai các hoạt động phòng chống dịch hoặc không cung cấp tình hình bệnh sởi đến người dân.
"Số trường hợp mắc bệnh sởi tại Hà Nội hiện chiếm 30% số BN cả nước, tử vong chiếm 50%. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết phải báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân và thảo luận để công bố hay không. Như Ninh Thuận công bố dịch tay chân miệng là quyền của Ủy ban Nhân dân, Bộ Y tế không ép được"- Bộ trưởng cho biết.
Trước một số ý kiến cho rằng tỷ lệ tử vong do bệnh sởi tại BV Nhi TW là cao, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tỷ lệ tử vong thường xảy ra tại các BV chuyên khoa, vì tại đây thường tiếp nhận BN trong tình trạng nặng nhất và thường có những yếu tố kèm theo khiến cho BN thêm. Chúng ta đều đã biết bệnh sởi có sự lây lan rất cao, do vậy cần đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV. Hiện tại Bộ Y tế đang rất nỗ lực trong việc tiêm phòng vắc xin nói chung và vắc xin về bệnh sởi nói riêng cho trẻ em tại cộng đồng, do vậy công việc này cần được tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh.
Bổ sung phác đồ điều trị bệnh sởi
Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới TW, bệnh sởi dẫn đến suy giảm miễn dịch cấp tính nên ngay khi mắc bệnh, cơ thể đáp ứng miễn dịch với các mầm bệnh vi sinh vật khác rất kém. Vì vậy dễ dàng lây nhiễm, bội nhiễm vi sinh vật trong môi trường, đặc biệt là môi trường BV có những vi khuẩn đa kháng với kháng sinh. Trường hợp BN viêm phổi do các vi khuẩn đa kháng này sẽ rất nặng, tử vong nhanh. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch thì nguy cơ đồng nhiễm bệnh cảnh khác, với các loại virus khác (chẳng hạn như Rino virus) sẽ tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trẻ trên nền bệnh tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, bại não…
Thống kê tại BV Nhiệt đới TW, hiện có 313 BN sởi đang điều trị, trong đó đa phần là sởi ở người lớn (chiếm đến 90%), còn lại là trẻ em. TS. Kính cho biết, bệnh sởi ở người lớn diễn biến lâm sàng vẫn theo dạng cổ điển. Ở người lớn, biến chứng quan trọng nhất là não viêm gây rối loạn các trung khu tuần hoàn hô hấp; trong khi ở trẻ em chủ yếu là nhiễm trùng, bội nhiễm ở đường hô hấp gây suy hô hấp nặng, dẫn đến tử vong. Mặc dù ghi nhận nhiều ca sởi nặng nhưng đến thời điểm hiện tại, BV Nhiệt đới TW vẫn chưa ghi nhận ca tử vong do sởi.
Bộ trưởng yêu cầu các khoa phòng của BV cần thực hiện các biện pháp giúp cho phòng bệnh luôn được thông thoáng, thực hiện liên tục công tác sát khuẩn. Đặc biệt, BV Nhi cần quan tâm đến vấn đề cách ly, phân loại bệnh nhân ngay từ khoa khám bệnh của BV nhằm giảm thiểu sự lây lan giữa các bệnh nhân.
Với cơ chế bệnh như vậy, về phác đồ điều trị mới cho bệnh sởi, TS. Kính cho biết, chiều qua (15/4) Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp và bổ sung cụ thể cách sử dụng Gamma Globulin tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể, bao gồm hai loại: tiêm bắp (với BN ở mức độ trung bình) và tiêm tĩnh mạch (cho BN nặng). Đồng thời, kết hợp phát hiện sớm những trường hợp viêm đường hô hấp, biến chứng viêm não để có cách điều trị phù hợp, giảm tỉ lệ tử vong. Trước đó, năm 2009 khi bùng phát dịch sởi ở người lớn, Bộ Y tế cũng đã xem xét và bổ sung vào phác đồ điều trị mới cho BN mắc sởi.
Ngay trong chiều nay 16/4, BV Bạch Mai đã tổ chức tổ chức tập huấn trực tuyến về bệnh sởi cho các BV vệ tinh gồm: BVĐK Quảng Ngãi, BVĐK Bắc Ninh, BVĐK Lào Cai, BVĐK Nghệ An, BVĐK Hà Đông, BVĐK Thái Bình, BVĐK Tuyên Quang, BVĐK Sơn La và BVĐK Phố Nối.
Buổi tập huấn tập trung về các nội dung chiến lược tiêm vắc xin sởi cho trẻ; Chế độ ăn cho người mắc bệnh như thế nào? Điều trị ra sao?...
Cũng theo TS. Kính, trong vùng Tây Thái Bình Dương, Việt Nam chưa phải là nước đã thanh toán hoặc loại trừ được bệnh sởi mà nước ta đang trong giai đoạn khống chế, phòng chống bệnh sởi. Cho nên hàng năm vẫn có nhiều trường hợp bệnh sởi xảy ra chứ không phải năm nay mới có sự khác biệt. Năm nay, bệnh diến biến rải rác, tản phát khắp 61/63 tỉnh thành, chỉ có 2 tỉnh là Hà Giang và Cao Bằng chưa có báo cáo ca bệnh. Địa bàn Hà Nội chiếm đến 30% ca sởi toàn quốc, rải rác ở các quận huyện và xã phường. Điều này chứng tỏ công tác tiêm chủng trước đây đã phát huy hiệu quả, không có chùm ca bệnh tập trung mà rải rác ở các địa bàn ở những người chưa được tiêm vắc xin.
Về độc lực của bệnh sởi, đối chiếu với các nước cũng đang có dịch sởi như Trung Quốc (hơn 20.000 ca), Philippin, Nhật Bản… ghi nhận không có thay đổi ở virus sởi gây ra. Giải trình tự gene cho thấy đây là chủng H1, chủng gây bệnh nhiều năm nay, không thấy mánh độc của bệnh tăng lên. Tuy nhiên có một thực trạng là tất cả những trường hợp mắc sởi, phụ huynh lo lắng mang con đến tập trung tại BV Nhi TW. Đây chính là nguyên nhân khiến căn bệnh lây qua đường hô hấp này có cơ hội lây lan nhanh chóng.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, cần giãn dần độ tập trung đông người ở BV Nhi TW. Những trẻ bệnh nhẹ không cần thiết phải đến viện, ngồi phòng khám chật chội khiến bệnh trở nên nặng hơn, bội nhiễm vi khuẩn BV, đa kháng kháng sinh. Giải pháp số 1 hiện nay là giảm tải BV Nhi TW, giảm tỉ lệ tử vong; tăng cường hoạt động BV vệ tinh khu vực Hà Nội như BVĐK Xanh Pôn, BVĐk Đống Đa, BV Thanh Nhàn, ngoài các BV tuyến đầu như BV Nhiệt đới TW, khoa Nhi (BV Bạch Mai) để tiếp nhận những BN nặng.
Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp dự phòng chung chỗ đông người, đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng dung dịch sát trùng… Tăng cường miễn dịch cho người có nguy cơ mắc, khám chữa bệnh phát hiện sớm điều trị sớm, dự phòng tiêm chủng. Trong một ngày nếu không dự phòng bệnh và miễn dịch thì có thể lây lan cho hàng triệu người khác nhau.
Anh Tuấn - Dương Hải
- Bệnh sởi và những biến chứng
- Nguyên tắc chữa sởi của Hải Thượng Lãn Ông
- Trước nguy cơ bệnh sởi quay trở lại: Chủng ngừa bằng vắc-xin nào?
- Món ăn thuốc cho người bệnh sởi
- Dự phòng và điều trị bệnh sởi thế nào?
- Bệnh sởi, Đông y chữa thế nào?
- Không tiêm phòng sởi, trẻ bị biến chứng viêm phổi suýt chết
- Chủ quan với sởi, nhiều trẻ bị “bỏ quên” tiêm chủng
- Phân biệt sởi và thủy đậu
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bệnh nhân sởi
- Bệnh sởi hoành hành, vì sao?