Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến – một góc nhìn

08-03-2019 20:08 | Y tế
google news

SKĐS - Là nhà báo có “thâm niên” theo dõi lĩnh vực y tế, tôi được chứng kiến chặng đường gần 2 nhiệm kỳ qua của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với nhiều “hỉ - nộ - ái - ố”. Khó khăn, “bão tố” cũng nhiều, nhưng cuối cùng, bà vẫn được nhìn nhận đúng giá trị trong cương vị một chính khách nữ. Ngày 4-3 vừa qua, tên bà có trong trong danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố. Trước đó, năm 2016, tuy không tái cử vào Trung ương, bà vẫn được tin cậy giao tiếp tục giữ chức Bộ trưởng.

“Giông gió”

Phải nói rằng, là một trong số các Bộ trưởng Bộ Y tế thực sự có nghề và tâm huyết, nhưng trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là một chính khách không mấy khéo léo trong giao tiếp. Sự bộc trực có lẽ cũng là một lý do khiến bà từng phải nhận “búa rìu dư luận”. Đương nhiên, với tính cách đó, ban đầu, tân Bộ trưởng cũng không thật sự được lòng báo giới và những năm tháng đầu ở cương vị Bộ trưởng của bà khá nhiều “giông gió”.

Còn nhớ dịp mới nhậm chức Bộ trưởng, trong một hội nghị khẩn cấp về phòng chống dịch tay - chân - miệng, bà phát biểu rằng dịch lan rộng có phần trách nhiệm không tuyên tuyền của báo chí. Lập tức báo chí “phản pháo” rằng ngành y tế có hệ thống truyền thông từ Trung ương đến địa phương nhưng đã không làm hết trách nhiệm, vả lại, báo chí không thể truyền thông riêng cho y tế, mà còn có trách nhiệm phản ánh nhiều lĩnh vực của xã hội.

Không mấy khéo léo trong giao tiếp, Bộ trưởng Tiến từng bị cuốn vào nhiều "giông bão" dư luận.

Sau đó, việc bà đến Quảng Trị nhưng không đến thăm gia đình 3 cháu bé tử vong sau tiêm vắc xin một lần nữa đẩy bà vào “tâm bão dư luận”. Rồi dịch sởi khiến gần 150 trẻ tử vong ở Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương tiếp tục khiến người đứng đầu ngành y tế bị “mổ xẻ”. Tại cuộc gặp gỡ với báo giới ở BV này -- một cuộc gặp rất khó khăn, gần như do sức ép của các phóng viên -- bà lại bộc trực: “Nếu tôi có con có cháu bị bệnh những ngày này, tôi cũng không cho vào BV Nhi để tránh bị lây chéo.” Câu nói lập tức làm “dậy sóng”, mặc dù đó chỉ là sự thành thực của một thầy thuốc, nhưng nếu là người khôn khéo, chắc sẽ không giãi bày như thế.

Ấn tượng về những ca tai biến sau tiêm vắc xin khiến trước thềm Đại hội Đảng XII, bà một lần nữa đứng trước “bão tố” khi ở một cơ sở tiêm phòng dịch vụ, người dân chen chúc, giẫm đạp nhau để tiêm vắc xin “6 in 1” – chỉ vì những người chỉ trích bà nhầm lẫn vắc xin dịch vụ với vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng vốn do ngành y tế chịu trách nhiệm.

Vượt qua thử thách

Nhưng, tôi đã được chứng kiến bản lĩnh của bà qua từng dấu mốc, tự tin và quyết liệt điều hành để vượt qua mọi thử thách và nhất là, biến khó khăn thành nhất thời, để có những kết quả mang dấu ấn trong việc thay đổi cơ chế làm việc, thay đổi tư duy phục vụ của ngành y tế. Bà trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên giải quyết hiệu quả nhất vấn nạn quá tải BV vốn nhức nhối nhiều năm. Bà cũng khôi phục lại đường dây nóng tại các BV để tiếp nhận ý kiến người dân và xử lý nghiêm các vi phạm trong khám, chữa bệnh (KCB), đặc biệt là hiện tượng “vòi vĩnh” của nhân viên y tế. Giai đoạn bà làm Bộ trưởng, tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm một cách ngoạn mục.

Giải pháp mạnh để giảm tải BV của bà là chỉ đạo hoàn tất đề án Giảm tải BV và yêu cầu các BV ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Tôi từng “lén” dự một hội nghị giảm tải với các giám đốc BV do bà chủ trì và chứng kiến bà đã không nể nang khi chỉ thẳng: Nhiều giám đốc BV chỉ muốn quá tải nhằm tăng doanh thu, khiến chủ trương giảm tải BV luôn gặp rào cản. Thái độ kiên quyết của bà đã khiến một số Giám đốc BV lớn ban đầu đưa đủ lý do để không chịu ký cam kết đã phải chấp thuận “vào cuộc”.

Những người làm việc trực tiếp và tiếp xúc nhiều sẽ thấy một Bộ trưởng Tiến rất khác: bản lĩnh, tự tin và đầy quyết liệt trong điều hành.

Khi các BV thực hiện cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, vẫn còn nhiều người cho rằng bà bị bệnh thành tích, rằng nhiều bệnh nhân sẽ phải ra viện “non” v.v. Nhưng chứng kiến thực tế tại các BV không còn cảnh bệnh nhân chen chúc 2-3 người/giường, bởi những người bệnh nhẹ đã được chuyển về tuyến dưới, lại giảm chi phí cho bệnh nhân, mới thấy giá trị của sự quyết liệt này. Hỗ trợ cho Đề án giảm tải còn có các đề án Cải tiến quy trình khám bệnh, Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm, đồng thời đẩy mạnh các đề án đã có như BV vệ tinh, Bác sĩ gia đình, 1816 vv… Nhờ đó, đến cuối 2018, theo Cục Quản lý KCB, hơn 80% BV trung ương, BV tuyến cuối đã giải quyết được tình trạng nằm ghép.

Một bước tiến của ngành y tế thời gian gần đây là nhà vệ sinh BV. Lâu nay, đây là nỗi ám ảnh của bệnh nhân vì nhà vệ sinh BV hôi thối, bẩn thỉu, không giấy vệ sinh, không có nước dội và xà phòng rửa tay v.v. Vì thế, trong nhiều hội nghị, Bộ trưởng Tiến đều rất gay gắt yêu cầu các BV phải thay đổi và “chốt”: “Nếu đi kiểm tra BV mà Trưởng khoa và Giám đốc BV để nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay, thì khi chấm điểm BV kết luận là lãnh đạo BV ở bẩn.” Chính thái độ rốt ráo của người đứng đầu ngành y tế đã tạo nên diện mạo mới, mang lại lợi ích cho người bệnh: Nhiều BV đã có nhà vệ sinh sạch đẹp, treo tranh, cây cảnh, như BV E, BV Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, BV Thống Nhất, BV Thủ Đức v.v.

Rất hiểu sự thiệt thòi của người dân vùng cao, vùng sâu trong KCB, Bộ trưởng Tiến đặc biệt quan tâm phát triển y tế tuyến dưới bằng đầu tư trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn từ xa, đào tạo bác sĩ tình nguyện, để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt ngay tại địa phương. Vì thế, những năm gần đây, tình trạng chuyển tuyến từ các tỉnh, huyện giảm từ 65 - 100% ở nhiều chuyên khoa. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã được các BV địa phương cứu chữa kịp thời, thay vì chuyển lên tuyến trên, đã giảm được  tử vong, như vụ sập giàn giáo Formosa, sập cầu Chu Va, tai nạn giao thông ở Lào Cai, Lai Châu v.v.

Cánh báo chí chúng tôi vốn hay “soi”, nhưng đều thừa nhận trong các đợt dịch bệnh, nữ Bộ trưởng đã điều hành mạch lạc với các biện pháp cụ thể, rõ ràng để các đơn vị, địa phương ứng phó hiệu quả. Vì thế, những năm qua, nước ta liên tiếp khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh: sốt xuất huyết, sởi, cúm v.v. đồng thời, ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV, Zika, cúm A(H7N9) vv… xâm nhập.

Cuối năm 2018, chúng tôi đã chia vui với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khi trong một buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: “Bộ Y tế đi đầu trong xã hội hóa và quản lý giá; tiên phong trong cắt giảm thủ tục hành chính ở khối văn xã với hàng ngàn thủ tục được cắt bỏ...” Đặc biệt, báo giới đều rất hài lòng khi đến “đời” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mới có sự hợp tác của Bộ Y tế với truyền thông, các nhà báo đã được tiếp cận các thông tin chính thống trước các sự kiện nhanh nhất và các vấn đề “nóng” báo chí phản ánh đều được phản hồi kịp thời.

Là người có nhiều năm công tác gần Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, GS. Tạ Thành Văn -- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết ấn tượng của ông về nữ Bộ trưởng là “tư duy khoa học, sự thẳng thắn và kiên quyết trong điều hành quản lý. Bộ trưởng cố gắng thiết lập hệ thống quản lý vĩ mô cho nền y tế Việt Nam trên cơ sở công bằng, hiệu quả, để mọi người dân được tiếp cận sự chăm sóc y tế chất lượng cao từ sớm. Bà đặc biệt quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở, nhất là y tế vùng sâu vùng cao, biên giới hải đảo, thông qua dự án đưa bác sĩ trẻ về các huyện nghèo mà Đại học Y Hà Nội là nòng cốt. Bà còn rất quan tâm đến việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực -- yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng y tế, thông qua dự án đầu tư sử dụng vốn vay của ADB, WB, cũng như coi trọng việc đổi mới đào tạo y khoa, bậc đại học và bậc chuyên khoa sau đại học, mà Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là những đơn vị đi đầu.”

Còn trong mắt Giám đốc BV Việt Đức -- GS. Trần Bình Giang, nữ Bộ trưởng là người rất sâu sát trong công việc, nắm chắc tình hình nên việc điều hành luôn hiệu quả khi “khó cái gì lọt qua mắt”. Sự quan tâm của Bộ trưởng đã tạo điều kiện để BV Việt Đức phát triển được nhiều kỹ thuật cao, đặc biệt là ghép tạng.

Một trái tim rất phụ nữ

Gay gắt, mạnh mẽ trong công việc, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là người sống tình cảm. Tôi nhớ mãi buổi lễ tri ân Thiếu tá Lê Hải Ninh -- người hiến đa tạng để làm nên ca ghép phổi từ người chết đầu tiên ở Việt Nam, tại BV 108. Khi người góa phụ của Thiếu tá Lê Hải Ninh xuất hiện trên sân khấu, bà đã bước đến và trước khi thực hiện các nghi thức trao tặng, bà ôm lấy chị, lặng lẽ vỗ về như người ruột thịt trong sự sẻ chia sâu sắc, khiến hội trường lặng phắc trong nỗi xúc động nghẹn ngào.

Nhiều lần, bà trực tiếp đến các BV “điểm nóng” như ở BV K, BV Bạch Mai, lắng nghe ý kiến người bệnh về tình trạng chờ khám lâu, chế độ BHYT v.v. và lập tức yêu cầu BV xử lý ngay, khiến nhiều người bất ngờ vì một Bộ trưởng gần gũi thế. Hầu như giao thừa năm nào bà cũng có mặt ở các BV lớn, động viên các thầy thuốc, thăm hỏi bệnh nhân, nâng niu những đứa trẻ chào đời trong thời khắc đặc biệt ấy...

Tâm huyết, làm việc khoa học và quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã tạo được sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành y tế những năm qua. Điều này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân ghi nhận và các nhà báo theo sát lĩnh vực y tế cũng đánh giá cao, để biến những “ác cảm” ban đầu thành thiện cảm hôm nay, thậm chí, ngưỡng mộ.

Để làm tốt nhiệm vụ, phụ nữ thường phải nỗ lực hơn nam giới rất nhiều, vì ngoài công việc họ còn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chính khách nữ càng cần bản lĩnh và sự cố gắng, vì áp lực không phải là điều họ dễ dàng vượt qua. Nhưng bằng tất cả sự tận hiến, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định được mình.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, quê Hà Tĩnh. Bà từng là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII.

Bà nguyên là giảng viên ở Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Pháp. Sau đó bà là Viện trưởng Viện Pasteur Tp HCM, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược Tp HCM.

Năm 2007, bà là Thứ trưởng Bộ Y tế.

Từ tháng 8/2011, bà trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế.



Thanh Hằng
Ý kiến của bạn