Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại BV Nhi Trung ương

26-06-2014 09:25 | Thời sự
google news

SKĐS -22h tối ngày 25/6, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

22h tối ngày 25/6, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo báo cáo của của Bệnh viện Nhi TW, tại Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 36 bệnh nhi nhập viện do viêm não Nhật Bản B, trong đó Hà Nội có 11 ca chiếm 30%, có 6 ca nặng phải thở máy nhưng với sự điều trị tích cực của các bác sĩ, đã có 2 ca không còn phải thở máy. Mặc dù thời điểm hiện nay là giữa mùa dịch nhưng do công tác chuẩn bị trước, đồng thời bệnh viện tăng cường bác sĩ trực, bổ sung điều dưỡng trực “3 ca 4 kíp” nên công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn đang thực hiện tốt.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và kiểm tra bệnh án bệnh nhi Hà Phương Thủy, Phú Thọ, nhập viện ngày 19/6, bị viêm não Nhật Bản, hiện đã chuyển sang viêm phổi tại BV Nhi Trung ương.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và kiểm tra bệnh án bệnh nhi Hà Phương Thủy, Phú Thọ, nhập viện ngày 19/6, bị viêm não Nhật Bản, hiện đã chuyển sang viêm phổi tại BV Nhi Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra dịch bệnh tại BV Nhi Trung ương.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân Trần Hữu Hùng Vĩ (2 tuổi, quê Thái Bình) đang điều trị viêm não Nhật Bản tại Khoa truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao tinh thần làm việc vì bệnh nhân của tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên y tế BV Nhi TW, bệnh viện đã chủ động và có báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh mùa hè để có phương án phân loại và điều trị kịp thời. Về tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ trưởng đề nghị BV Nhi Trung ương phối hợp cùng với Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức các lớp tập huấn công tác điều trị phòng dịch, đồng thời có văn bản chỉ đạo đối với công tác tiêm chủng, nếu cần có thể thành lập đơn vị huấn luyện điều trị cơ động. Đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương thống kê lấy mẫu bệnh phẩm tại các quận huyện của Hà Nội và các tỉnh lân cận để xét nghiệm xác định nguyên nhân để có biện pháp khống chế dịch.

Về trang thiết bị và nhân lực để phục vụ cho công tác khám điều trị, về cơ bản Bệnh viện Nhi Trung ương đã đáp ứng đủ. Tuy nhiên, để phục vụ và đáp ứng cho nhu cầu khám và điều trị ngày càng tăng cao của nhân dân. Bộ trưởng đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương xây dựng Đề án tăng cường công tác đào tạo Bác sĩ chuyên khoa Nhi trình Bộ Y tế phê duyệt, nhằm tạo nguồn nhân lực y tế chuyên khoa Nhi có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong tình hình mới.

Cũng qua việc này cần phải cảnh báo cho người dân về công tác tiêm chủng để cho thấy công tác tiêm chủng là vô cùng quan trọng, cần phải đưa trẻ tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng các dịch bệnh.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... trẻ nhỏ thóp phồng nếu còn thóp.

Theo khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế, để phòng ngừa cần tiêm vaccin đầy đủ và đúng lịch. Tiêm mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt; Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Trần Lâm - Nguyễn Thắng

 

 


Ý kiến của bạn