Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bữa ăn gia đình phải được an toàn

14-01-2013 16:33 | Tin nóng y tế
google news

Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 13/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đang cận kề.

Trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 13/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đang cận kề.

Phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm

Trả lời câu hỏi của người dân về việc Bộ Y tế có kế hoạch gì để đảm bảo vệ sinh ATTP trong dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế cùng với các Bộ Công thương, Bộ Công an, Mặt trận tổ quốc đã lên kế hoạch thực hiện tháng cao điểm ATTP phục vụ Tết Nguyên đán với tên gọi “Bữa ăn an toàn”. Cụ thể đã thành lập 8 đoàn kiểm tra T.Ư, kiểm tra 24 tỉnh, thành có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Bên cạnh đó, tất cả các tỉnh thành cũng phải thanh kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Vào dịp này, chế tài xử phạt cũng được đẩy lên mức rất cao. Khi kiểm tra, đơn vị nào vi phạm sẽ xử phạt mức cao nhất 100 triệu đồng, thậm chí có thể lên đến mức cao gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, cơ sở vi phạm có thể bị rút giấy phép kinh doanh và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân quay lưng lại với những sản phẩm đó”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bữa ăn gia đình phải được an toàn 1
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra thực phẩm tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: T.Minh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian tới sẽ tuyên truyền để người dân lựa chọn những mặt hàng thiết yếu như rượu, bánh kẹo, thịt, cá, thực phẩm… có nguồn gốc, địa chỉ, mẫu mã rõ ràng. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn của ngành y tế là có một đề án về bữa ăn an toàn. Quá trình ATTP phải từ trang trại cho đến bàn ăn; các khâu từ nuôi trồng sản xuất kinh doanh, phân phối. Mâm cơm phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe cho người dân, không thể để bữa ăn gây bệnh.

“Chúng ta ra chợ không biết thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào an toàn thì làm sao người dân biết được. Tốt nhất sản phẩm phải có tem an toàn. Rau có chứng nhận an toàn, trái cây chứng nhận an toàn, như vậy sẽ tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh. Những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn lúc đó sẽ bị đào thải để có thể đi đến cái đích cuối cùng là bữa ăn trong từng gia đình phải được đảm bảo an toàn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Không để "một xô nước rửa hàng trăm cái bát"

Chia sẻ về lần kiểm tra thực phẩm tại chợ Hà Nội mới đây cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, đó là lần thị sát mở đầu cho cuộc kiểm tra tổng thể từ T.Ư đến địa phương vào dịp cao điểm cuối năm. Tại lần kiểm tra này, các chỉ tiêu về chất cấm chưa phát hiện ra, nhưng theo Bộ trưởng thì điều đó không có nghĩa là thực trạng ATTP của chúng ta đã tốt và phải có những cuộc khảo sát, kiểm tra của lực lượng liên ngành trên hàng trăm nghìn mẫu khác nhau mới có thể phản ánh được thực trạng vệ sinh ATTP hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, bản thân Bộ trưởng cũng thường xuyên “vi hành” qua những lần đi chợ phục vụ bữa ăn hàng ngày. “Tôi là phụ nữ và cũng là công dân bình thường nên tôi thường xuyên đi chợ. Từ các cơ sở sản xuất đến những khu chợ dân sinh tôi đều đã ghi nhận. Đó là những cuộc vi hành tự phát mà không ai biết trước được” – Bộ trưởng nói.

Giải đáp thắc mắc về Thông tư 30 quy định điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố sắp có hiệu lực tới đây, Bộ trưởng cho biết: “Thông tư 30 không có nghĩa là cấm việc kinh doanh trên đường phố mà đây sẽ là những hành lang pháp lý để tiến tới thức ăn đường phố phải đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe và chỉnh trang cho bộ mặt của đô thị. Kinh doanh đường phố phải có điều kiện, tiêu chuẩn chứ không thể thả nổi tình trạng quán ăn vỉa hè chỉ với một xô nước mà rửa hàng trăm cái bát, rồi để cạnh cống rãnh rất mất an toàn. Thực trạng đó phải xóa bỏ để tạo ra một bộ mặt đô thị khang trang mà vẫn đảm bảo cho người dân có quyền được kinh doanh”.

Lâm Mộc

Ý kiến của bạn