Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Sự chỉ đạo xuyên suốt; sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chị trị; sự nỗ lực, dấn thân không ngừng của lực lượng tuyến đầu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành dự hội nghị. Ảnh: Trần Minh
“Để có được kết quả này, công tác phòng chống dịch COVID-19 nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tư tưởng, chỉ đạo xuyên suốt thời gian phòng chống dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước.
Theo Bộ trưởng, trong lịch sử ngành y tế chưa bao giờ có một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như trong thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, hy sinh quên mình trên tuyến đầu phòng, chống dịch.
“Lớp lớp cán bộ y tế ngày đêm dấn thân vào một trận chiến đầy cam go, thử thách, có những rủi ro, có thể mắc bệnh. Có những câu chuyện cán bộ y tế khi tạm biệt có nói với gia đình rằng ngày hôm nay đi có thể trở về vinh quang nhưng cũng có thể không trở về vì khi bị bệnh nằm tại bệnh viện có thể có tỷ lệ tử vong xảy ra. Đó là những tấm gương hết sức trân quý”- Bộ trưởng nói.
Nhắc đến sự hỗ trợ hết sức to lớn của lực lượng cắm chốt biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết từ Tết Canh tý đến nay, cả nước duy trì 1600 điểm chốt ở vùng biên, với gần 10000 chiến sĩ cắm chốt. Có những chiến sĩ 6 tháng chưa được về nhà. Đây là hình ảnh toàn quân tham gia công tác phòng chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh trong cuộc chiến chống dich COVID-19 ở nước ta, lực lượng truyền thông đã tham gia tích cực. Đã có hơn 20 tỷ tin nhắn về phòng chống dịch được gửi đến người dân qua các ứng dụng khác nhau trong một thời gian ngắn.
“Đây là một kỷ lục. Nhờ đó người dân Việt Nam đồng lòng, ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và cho biết công tác ngoại giao y tế trong chống dịch cũng đã được ghi nhận và đánh giá cao.
Điểm qua những điểm sáng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên giải trình tự gen của virus SARS-CoV-2, 1 trong 5 nước sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, chủ động sản xuất máy thở đã giúp chúng ta hoàn toàn sử dụng được máy thở trong nước.
Việt Nam cũng đã là một trong rất ít nước của khu vực đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người vắc xin phòng chống COVID-19.
“Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, chúng ta xác định phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên. Bức tranh dịch COVID-19 chưa có gì sáng hơn, vẫn nặng nề”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của ngành
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị Ảnh: T.Minh
Bộ trưởng cũng nêu rõ năm 2020 cũng là một năm cải cách mạnh mẽ và có nhiều điểm nhấn của ngành y tế, trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế.
Về lĩnh vực khám chữa bệnh, chỉ trong 45 ngày, ngành đã kết nối thành công 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Hiện đã có hơn 1.500 điểm cầu kết nối. Đề án đã phát huy hiệu qủa, cứu sống nhiều bệnh nhân ở cơ sở.
“Ngành y tế phấn đấu đến năm 2025, tất cả các cơ sở y tế trong cả nước, kể cả y tế cơ sở đều kết nối khám chữa bệnh từ xa”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong thời gian ngắn thành tựu trong ghép tạng, ghép ruột, ghép tay-chân; kiểm soát được nhiều dịch bệnh khác như bạch hầu; duy trì mức sinh thay thế 14 năm qua... Chiều cao của người Việt tăng từ 2,6 cm- 3,7cm đối với cả 2 giới nam và nữ.
Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với dữ liệu trong các lĩnh vực: 62.438 dược phẩm, 28.000 trang thiết bị - vật tư y tế, 93.253 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ; Mạng Y tế Việt Nam (mạng nội bộ kết nối 100% cán bộ y tế toàn quốc)
Mạng Y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã); 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội thành lập trong 5 tháng để chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh không dùng giấy. Năm 2020 ngành y tế thực hiện những tiền đề quan trọng để vận hành nền y tế thông minh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, trong năm qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh, giám định thanh toán BHYT, hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử, 8 bệnh viện đã công bố sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, 20 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim. Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa - telemedicine, kết nối vạn vật y tế - IoMT. Bộ Y tế được xếp hạng thứ 4 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ...
Đối mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn
Về những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý 1/2021, Bộ Y tế sẽ cố gắng trình Chính phủ Nghị định của Chính phủ về vấn đề xã hội hoá, liên doanh liên kết. Làm sao để 1 đồng đầu tư của nhà nước cấp ra thì sẽ huy động được nhiều đồng đầu tư của tư nhân.
Ngành y tế dự kiến trình sửa đổi hai bộ luật quan trọng là Luật bảo hiểm y tế sửa đổi và luật Khám chữa bệnh, lập quy hoạch tổng thể (tất cả hoạt động của ngành, đào tạo nguồn nhân lực…), tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm tới…
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị tăng đầu tư cho y tế, tập trung vào y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng huy động từ xã hội với các hình phù hợp như thuê toàn bộ dịch vụ công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm nhân lực, thời gian của cán bộ y tế dành cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn thay vì hoạt động hành chính.
Trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn của ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay sẽ đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Trong đó, ngành Y tế lựa chọn khâu đột phá trong thi cấp chứng chỉ hành nghề y dược phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Xây dựng ngân hàng dữ liệu đề thi chuẩn bị chi thi cấp chứng chỉ hành nghề khi Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực.
Ngành Y tế sẽ thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Cùng đó, xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn (cho 28 tỉnh), Đề án tổng thể tăng cường năng lực cán bộ y tế cơ sở, mục tiêu đến 2025 đảm bảo cơ bản nhân lực cho vùng sâu, vùng xa và đến năm 2030 đảm bảo đủ nhân lực.
Đặc biệt, ngành chú trọng nâng cao đạo đức ngành Y thông qua việc giáo dục y đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ viên chức ngành y, nhất là lớp thầy thuốc trẻ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế.
Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh (hồ sơ sức khỏe điện tử, theo dõi, cảnh báo dịch bệnh, ứng dụng cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe...), hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh (khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...), hệ thống quản trị y tế thông minh (quản lý, điều hành điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thống kê y tế điện tử, cơ sở dữ liệu y tế quốc gia)...