Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ cũng sẽ điều nhân lực và trang thiết bị đồng hành cùng tỉnh, tuy nhiên tỉnh vẫn phải chủ động trên tinh thần "4 tại chỗ".
Chiều ngày 30/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến làm việc tại tỉnh Long An về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Trước khi làm việc, Bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Long An đã trực tiếp đi khảo sát địa điểm Bộ Y tế sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động (phường 3, TP.Tân An) tỉnh Long An.
Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện Nhà khách cho biết nhà khách có 2 khu vực gồm khu mặt sàn bên ngoài chuyên sử dụng để tổ chức sự kiện (hiện không có vật dụng gì cố định trên mặt sàn) và khu vực phòng nghỉ, thuận tiện cho y bác sĩ nghỉ sau ca trực và lưu trú luôn tại đây.
Qua khảo sát thực tiễn và nghe ý kiến thảo luận của chuyên gia đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo tỉnh đã thống nhất sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại địa điểm này.
Thực hiện truy vết F0 qua sàng lọc cộng đồng
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Long An cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh những ngày qua diễn biến rất phức tạp và khó lường. Tổng số ca bệnh trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 5.468 ca nhiễm, trong đó có 5.452 ca cộng đồng, 16 ca nhập cảnh. Ngoài ra, có 615 ca điều trị khỏi và 58 trường hợp tử vong.
3 huyện có số ca mắc cao nhất là Cần Giuộc, Đức Hòa và Bến Lức. Từ ngày 19/7 đến hiện tại, Long An thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, số ca mắc có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, do đang thực hiện truy vết F0 sàng lọc cộng đồng nên số ca mắc vẫn ở mức cao. Đến nay, tỉnh triển khai phong tỏa 519 điểm, đã kết thúc 96 điểm.
Toàn tỉnh có 57 khu cách ly tập trung với năng lực khoảng 11.500 giường, hiện đang hoạ động 32 khu cách ly với 2.178 người.
Về công tác xét nghiệm, hiện Long An có 47 cơ sở với năng lực hơn 15.000 / ngày; xét nghiệm khẳng định 2.350 mẫu đơn/ ngày; 11.750 mẫu đơn/ ngày. Long An có 16 cơ sở điều trị COVID-19 theo chiến lược phân tầng (gồm 3 tầng điều trị khác nhau). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Long An đã chuẩn bị phương án 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Hơn 100 chuyên gia, y bác sĩ đang hỗ trợ Long An chống dịch
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Long An bày tỏ lời cảm ơn Bộ Y tế, các tỉnh bạn đã sớm điều động chuyên gia về đồng hành cùng tỉnh triển khai các giải pháp phòng chống dịch.
Theo đó, để đồng hành cùng Long An chống dịch, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, từ ngày 1/7/2021, Tổ công tác của Bộ Y tế do TS Hoàng Quốc Cường- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm tổ trưởng gồm 6 thành viên là các chuyên gia về lĩnh vực dịch tễ, điều trị, xét nghiệm… của các bệnh viện/viện trực thuộc Bộ Y tế đã về "cắm chốt" tại Long An.
Ngoài ra, đoàn công tác gồm 80 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… giàu kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 của tỉnh Bắc Giang cũng đã đến hô trợ tỉnh Long An chống dịch từ ngày 20/7.
Đoàn Bến Tre có 12 cán bộ, thầy thuốc và đoàn Bắc Ninh có 15 cán bộ, thầy thuốc cũng đã có mặt hỗ trợ y tế Long An chống dịch.
Tại buổi làm việc, Long An kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ địa phương về trang thiết bị, nhân lực các chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh kiểm soát nhiễm khuẩn…
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để "cố gắng làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch bệnh"
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long biểu dương đội ngũ chuyên gia, nhân lực y tế của Bộ Y tế và các tỉnh bạn đã về đồng hành cùng Long An chống dịch. "Điều này thể hiện sự cống hiến, trách nhiệm với của các đồng chí cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân".
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao Long An đã chủ động lên phương án cho số ca mắc cao, tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh quan trọng nhất đối với Long An lúc này là "ưu tiên tối đa, tạo mọi điều kiện cho công tác điều trị, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, rất nặng".
Bộ Y tế nhất trí với các phương án chống dịch của tỉnh, tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý địa phương cần thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16, tận dụng thời gian này để "cố gắng làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch bệnh".
"Tỉnh càng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 thì càng làm giảm tác động đến kinh tế xã hội trên địa bàn. Đồng thời thực hiện truy vết nhanh, cách ly kịp thời, xét nghiệm nhanh để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng, chặn nguồn lây nhiễm"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý địa phương thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về phân tầng điều trị. Trong đó, ở tầng điều trị 2 cần phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm. Tầng điều trị thứ 3 chỉ dành điều trị bệnh nhân nặng, rất nặng và phải có khu vực điều trị hồi sức tích cực.
"Thực hiện nghiêm phân tầng này để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn"- Bộ trưởng nói.
Liên quan đến việc thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại tỉnh Long An, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: Với mặt bằng thuận tiện tại Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động, các chuyên gia của Bộ Y tế và địa phương sẽ nhanh chóng thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại đây.
"Tỉnh cần có phương án về điều động nhân lực, huy động trang thiết bị, vật tư y tế cho Trung tâm ngay từ bây giờ để thiết lập xong là đưa vào hoạt động ngay"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Nhấn mạnh việc điều phối trong điều trị rất quan trọng, do đó Bộ trưởng cho rằng Long An cần thiết lập bộ phận điều phối bệnh nhân, nắm chắc thông tin về tình hình điều trị trên địa bàn để có sự điều phối bệnh nhân phù hợp với diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân.
Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh có dịch, tiêm mũi 1 càng nhanh càng tốt.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Được bày tỏ lời cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn công tác của Bộ Y tế và cho biết tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế để nhanh chóng thiết lập hoàn thiện Trung tâm hồi sức tích cực phục vụ điều trị bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Được cũng cho biết Tỉnh cũng sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin và "mong muốn Bộ Y tế điều nhân lực hỗ trợ tỉnh trong công tác tiêm chủng để đẩy nhanh tiêm mũi 1 càng sớm càng tốt".