Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: BHYT là một chính sách ưu việt của Nhà nước đối với chăm sóc sức khỏe người dân

22-10-2021 19:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, BHYT giúp cho tất cả người dân, đặc biệt người nghèo, người khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám, chữa bệnh.

Hết năm 2020, có 87,96 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 90,85% dân sốHết năm 2020, có 87,96 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 90,85% dân số

SKĐS - Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày Báo cáo tóm tắt công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13.

Chính sách BHYT thể hiện tính ưu việt

Chiều 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Nêu ý kiến tại Tổ 2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, BHXH và BHYT là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đối với người dân. BHYT giúp cho tất cả người dân, đặc biệt người nghèo, người khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế và đảm bảo cơ chế tài chính cho công tác khám, chữa bệnh. Thời gian qua đã thể hiện rõ vấn đề này. Hầu hết tất cả các đối tượng yếu thế trong xã hội được quan tâm, hầu như tất cả các dịch vụ y tế chi trả 100% các dịch vụ, người dân không phải trả thêm tiền.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: BHYT là một chính sách ưu việt của Nhà nước đối với chăm sóc sức khỏe người dân - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại tổ chiều 22/10.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Đây là một chính sách rất ưu việt của nhà nước ta đối với chăm sóc sức khỏe người dân".

Theo Bộ trưởng, BHYT nước ta đi sau nhưng về trước. Các nước trên thế giới cũng thấy rằng, chúng ta khởi động BHYT chậm hơn nhưng tăng rất nhanh độ bao phủ BHYT, tính đến hết năm 2020 bao phủ 90,85%. Cộng đồng quốc tế thấy rằng, tại sao Việt Nam đi muộn hơn về chính sách bảo hiểm nhưng đi nhanh hơn về độ bao phủ BHYT, vượt cả chỉ tiêu Quốc hội giao.

Lý do khiến độ bao phủ BHYT cao, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lý giải 3 nguyên nhân gồm: 

Thứ nhất, chính sách BHYT thể hiện được tính ưu việt, đảm bảo lợi ích của người dân khiến người dân tích cực tham gia.

Thứ hai, dịch vụ y tế và chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng cho những người đóng BHYT.

Thứ ba, liên tục đổi mới trong vấn đề quản lý, công khai, minh bạch, giám sát, thẩm định, quyết toán… càng ngày càng công khai minh bạch hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện BHYT là một trong những trụ cột, an sinh xã hội, đặc biệt coi trọng với người lao động, người nghèo, người yếu thế.

Mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng

Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày 4 điểm mong được các ĐBQH chia sẻ, đồng thuận cao hơn.

Thứ nhất, việc đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT là một vấn đề cực kỳ quan trọng. BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro thì phải có nhiều người đóng, tốt nhất phải phủ gần như toàn bộ dân số thì lúc đó chia sẻ rủi ro, đỡ gánh nặng cho những người khó khăn. Đây là một trong những vấn đề Bộ sửa theo hướng tất cả người dân phải tiếp cận BHYT. Mục đích nhằm đảm bảo tính bền vững.

Thứ hai, tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người dân đối với BHYT. Mặc dù mức đóng hưởng của chúng ta có thể thấp hơn, nhưng lấy số đông, lấy số nhiều người để mở rộng quyền lợi, phạm vi của BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Ở nước ngoài, người dân đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu nhưng nếu nước ta áp dụng thế thì người nghèo, người vùng sâu vùng xa không thể tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao.

Thứ ba, theo Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến lúc chúng ta xem lại vấn đề về bảo hiểm thương mại, bởi hiện nay có một số người tham gia bảo hiểm thương mại nhưng trong đó có gói về sức khỏe. Bảo hiểm bổ sung theo hướng người tham gia được thêm vào gói bảo hiểm bổ sung và đặc biệt huy động bảo hiểm thương mại nhằm tăng chất lượng dịch vụ y tế, tăng phạm vi đóng hưởng của người tham gia BHYT cho người dân. Làm sao chúng ta giảm được việc chi tiền túi của người bệnh.

Thứ tư, mở rộng, tăng tiện ích, tăng khả năng tiếp cận các cơ sở BHYT để tạo thuận lợi cho người dân. Bộ trưởng Bộ Y tế lấy ví dụ một số bệnh không lây nhiễm sau này có thể triển khai việc người dân đến các hiệu thuốc nhận thuốc cấp phát qua BHYT... làm sao để tăng tính tiện ích, tính tiếp cận của người dân đối với dịch vụ Y tế và BHYT.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "Hiện nay trình độ, chuyên môn, năng lực của các tuyến y tế cũng khác nhau. Ở nhiệm kỳ trước, chúng ta mở rộng ngay phạm vi kết nối 1.000 điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Đã có nhiều câu chuyện, nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có những người ở vùng sâu vùng xa, khi có bệnh những bác sĩ ở đấy chưa bao giờ phẫu thuật sọ não nhưng khi triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa đã làm được".

"Nếu bác sĩ chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế có đủ điều kiện thì quá muộn, nên khi kết nối đầu cầu, hướng dẫn cầm tay chỉ việc đã cứu sống bệnh nhân. 2 tuần sau bệnh nhân đứng lên cảm ơn bác sĩ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Bộ trưởng nhắc lại trong thời gian dịch COVID-19 vừa rồi, Bộ triển khai kết nối tất cả các điểm cầu trên toàn quốc. Bởi khi dịch bệnh diễn ra, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội nên việc tiếp cận với cơ sở tuyến trên cũng khó, tuyến trên kết nối với cơ sở tuyến dưới cũng khó. Bộ trưởng cho rằng, Luật BHYT vẫn chưa quy định tính pháp lý nên tới đây phải mở rộng.

"Chúng tôi yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tuyến trên phải kết nối xuống tuyến huyện, chứ không kết nối xuống tuyến tỉnh. Chúng tôi rất mong y tế cơ sở được nâng chất lượng, giữa trên và dưới là một", Bộ trưởng nói.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: "Chúng tôi cũng đang gấp rút xây dựng tăng trưởng năng lực hệ thống y tế cơ sở. Bởi vì hôm nay là đại dịch COVID-19, nhưng thời gian tới có thể là một đại dịch nào đó, do đó việc củng cố, tăng cường hệ thống cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế đối với người dân ngay tại nơi sinh sống là một trong những điều chúng ta hướng tới".


Lê Bảo - Hoàng Dương
Ý kiến của bạn