Đại biểu Trịnh Minh Bình cho biết, theo Nghị quyết 853 ngày 30/8/2023 của UBTVQH, trên lĩnh vực NN&PTNT nêu, có giải pháp xử lý tình trạng sụt, lún tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết trong thời gian qua đã đề xuất triển khai các giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT và một số bộ, ngành khác xây dựng Đề án Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, đây là một gói liên quan đến biến đổi khí hậu tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ hoàn thành Đề án để trình Chính phủ trong tháng 9 tới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương để tiếp cận đồng bộ về đầu tư công trình, về các giải pháp phi công trình và các vấn đề mang tính liên ngành. Bộ cũng đang tổng hợp nhu cầu giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, xây dựng công trình hạ tầng để giảm thiểu rủi ro đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống nhất bước đầu quan điểm tiếp cận về danh mục đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đặt vấn đề, trước thực trạng biến đổi khí khậu tại Đồng bằng sông Cửu Long liệu có đạt được mục tiêu đến 2030 có 3,5 triệu ha lúa, sản lượng ít nhất là 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4.000.000 tấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và diễn biến xu thế tiêu dùng trên thế giới là thách thức rất lớn. Do đó, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" là đề án Chính phủ rất kỳ vọng.
"Lần đầu tiên nước ta có Đề án quy mô lớn về giảm phát thải, tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng trồng lúa, quan trọng nhất là tăng thêm thu nhập cho người nông dân không chỉ về giá lúa, mà còn thông qua giá trị tuần hoàn của cây lúa như giảm chi phí, bán tín chỉ các-bon…; như vậy thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, từ Đề án này của Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ triển khai ngành trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung; rồi chuyển sang cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi… vì đây là những ngành hàng phát triển lớn. Do đó, Việt Nam cần có trách nhiệm với thế giới để giảm phát thải.