Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đầu giờ sáng 5/11, Quốc hội tiến hành chất vấn liên quan đến lĩnh vực nội vụ.
Trước đó, chiều 4/11, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) chất vấn về việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu cho rằng, việc thực hiện tự chủ công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới chỉ đạt được tỷ lệ 6,6%. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc được phân công trả lời. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện.
Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ, từ đó xác định được các nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động.
Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí; các dịch vụ cơ bản Nhà nước hỗ trợ kinh phí; với dịch vụ đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.
Ông Hồ Đức Phớc nói thêm: "Cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu".
Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.
Ông Phớc làm rõ thêm: "Nguồn thu khó khăn, liên danh, liên kết cũng khó khăn… nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức là sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư như: mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới… thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo".
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Không chủ quan dù số ca mắc Covid-19 giảm sâu | SKĐS.