Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, để không có những "vụ Cần Giờ" thứ 2 thì cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan cũng như nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn chìm tàu vô cùng thảm khốc, đau xót vừa qua.
Tổ điều tra đặc biệt về vụ chìm tàu H29 BP đã được thành lập
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã quyết định thành lập ngay một Tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Công làm Tổ trưởng, có sự tham gia của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Vụ Pháp chế Bộ GTVT và các chuyên gia giỏi tham gia vào Tổ điều tra đặc biệt.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hàng hải và đường thuỷ nội địa. Các cơ quan phải báo cáo kiểm điểm trách nhiệm cung cấp thông tin khi có sự cố xảy ra; chủ động điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn liên quan đến công tác quản lý nhà nước.
Đồng thời, điều tra làm rõ trách nhiệm của 2 lái tàu cùng xuất bến khi biết có báo hiệu tàu H29 BP bị nạn mà không dừng lại cứu. Bên cạnh đó phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ tai nạn. Chậm nhất đến ngày 20/8 phải có báo cáo lên Bộ GTVT.
Hé lộ những vấn đề liên quan đến vụ chìm tàu
Tàu H29 BP (tên đầy đủ BP 12.04.02) do Công ty Cổ phần Việt - Séc tự ý đưa phương tiện vào chở khách, không làm các thủ tục khai báo xin phép cho tàu xuất bến với các cơ quan chức năng theo quy định. Cùng với đó, Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam tự ý tiếp nhận phương tịên vào bến thuỷ nội địa (do Sở GTVT cấp phép hoạt động và quản lý) để đưa đón cán bộ công nhân viên của Công ty về Vũng Tàu không thông báo cho các cơ quan chức năng. Người điều khiển tàu BP 12.04.02 vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn và thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng.
Về công tác đăng kiểm, tàu H29 BP do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt - Séc chế tạo bằng vật liệu Polypropylen copolymer (PPC). Sau khi xem xét các hồ sơ lưu, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định không thực hiện công tác đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường cho tàu H29 BP.
Tàu H29 BP được đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, và tàu này khác mẫu với tàu H790 mà Công ty Việt - Séc đề nghị Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Trong khi đó, theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Việt Nam, tàu biển phải được thiết kế và đóng theo tiêu chuẩn và quy phạm được công nhận; trong đó đặc biệt quan trọng là tiêu chuẩn về vật liệu và quy cách kết cấu thân tàu. Nhưng đối với PPC, hiện nay chưa có tiêu chuẩn này. Đối với vật liệu PPC là vật liệu nhẹ, khác với các loạt vật liệu đóng tàu truyền thống, nên trong thiết kế tàu cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến tính ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.
Được biết, tàu H29 BP thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện số 20.22-13/CN-ĐK cấp ngày 16/7/2013. Ca nô dài 8,5m, rộng 2,29m, trang bị máy công suất 200HP, vỏ composite đóng năm 2013, được phép chở tối đa 12 người hoạt động trong vùng sông - vịnh, công dụng tuần tra. Ngày 09/7/2013, ca nô trên được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đưa sang Công ty Cổ phần Công nghệ Việt - Séc để bảo dưỡng định kỳ.
Khoảng 15h20 ngày 2/8, cả 3 chiếc tàu nói trên xuất phát từ Xưởng đóng tàu Việt - Séc (Vũng Tàu) đến cảng thuỷ nội địa của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (khu công nghịêp dịch vụ dầu khí Soài Rạp, Kiển Phước, Gò Công Đông - Tiền Giang) để đón khoảng 66 công nhân về Vũng Tàu. Trong đó, ca nô BP 12.04.02 (bị chìm) do ông Phạn Duy Phúc làm thuyền trưởng, ông Nguyễn Văn Dương làm thợ máy chở 28 công nhân của Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam.