Hà Nội

Bộ trưởng Giáo dục: "chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nhấn mạnh về giáo dục công dân, đào tạo con người"

06-06-2018 16:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Những vấn đề được dư luận quan tâm như: công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường;… đã được các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ

Về giáo dục mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện chúng ta có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ. Theo Bộ trưởng, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục... Việc bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động. Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề,...

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo nơi giữ trẻ an toàn, nhất là cho con em người lao động từ 6 tháng đến 5 tuổi (các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ 24 tháng tuổi trở lên), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Tới đây, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, để làm sao thực hiện tốt công tác chăm sóc, đặc biệt đối với trẻ cho những đối tượng khó khăn, tránh những hiện tượng đáng tiếc.

Không để "con sâu làm rầu nồi canh"

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu quan điểm: Thời gian qua, các thầy cô đều mẫu mực, nhưng cũng có những trường hợp gây bức xúc, như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, hoặc phải quỳ hàng tiếng trên bục giảng... Những hiện tượng này có phải do thầy cô chịu quá nhiều áp lực nên có hành xử không phù hợp không, Bộ trưởng có giải pháp nào?

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Đối với hiện tượng xuống cấp đạo đức của một bộ phận thầy cô, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các thầy cô nhìn chung đều yêu trường, mến trẻ, nhưng xuất hiện một số giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến trường, mà còn ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục.

Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, truyền thông..., trong đó có nguyên nhân đến từ ngành, vì tuyển chọn chưa sát sao nên có tuyển thầy cô kém năng lực, bộc phát. “Số báo chí đưa ra chưa hết, thực tế còn nữa”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, sự lên án của xã hội, báo chí đối với hành vi phi nhân tính đã cảnh tỉnh với thầy cô này, là cảnh tỉnh trách nhiệm của trường. “Tất nhiên, một cô giáo cả kỳ không nói từ nào thì Hội đồng sư phạm, Hội đồng trường phải xem xét trách nhiệm của mình”.

Những hiện tượng này có một phần vì áp lực. “Cộng đồng giáo viên gần đây chịu áp lực lớn và tôi thường xuyên động viên các thầy cô”. Nêu thực tế này, song Bộ trưởng cũng chỉ rõ: “Chúng ta phải minh bạch, không vì thiểu số mà đánh đồng, cũng như phải kiên quyết không để “một con sâu làm rầu nồi canh”.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng cho biết “sẽ nhấn mạnh về giáo dục công dân, đào tạo con người”, đồng thời khẳng định, “gốc của vấn đề là đào tạo giáo viên”. Với tư cách tư lệnh ngành GDĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng “xin nhận trách nhiệm đối với hạn chế trong đào tạo giáo viên, cả về chất lượng và kỹ năng”.

Địa phương phải vào cuộc

Bộ trưởng cho biết, để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, về khuôn khổ pháp luật cơ bản chúng ta đã có, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát các cơ sở giữ trẻ tư thục.

Các tổ chức chính trị - xã hội như phụ nữ, mặt trận, và đặc biệt chính quyền phường xã phải vào cuộc giám sát, cùng đồng hành với ngành giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính, phòng ngừa quan trọng hơn xử lý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng để không tạo áp lực.

Liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ, xuống cấp đạo đức của một số giáo viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Vừa qua dư luận rất bức xúc, tuy nhiên vấn đề xuống cấp đạo đức khá cá biệt. "Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trường mầm non, tiểu học, THCS có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể để xảy ra những việc như vậy hiệu trưởng có biết hay không? Giáo viên có biết hay không? Chính quyền địa phương có biết hay không? Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng bộ GDĐT".


H. Phong
Ý kiến của bạn