Bộ trưởng GD&ĐT: 'Tôi có phần căng thẳng vì đây là lần đầu gặp gỡ gần 1 triệu giáo viên'

15-08-2023 11:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận bản thân ông thấy rất hồi hộp và cũng có phần căng thẳng trong lần đầu gặp gỡ với gần 1 triệu giáo viên cả nước.

Ngày 15/8, lần đầu tiên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có buổi gặp gỡ với các cán bộ, giáo viên cả nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sự kiện này là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành.

"Đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại"

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận bản thân ông thấy rất hồi hộp và cũng có phần căng thẳng trong lần đầu gặp gỡ với gần 1 triệu giáo viên cả nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này.

Cũng phải nhắc lại, đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại. Không phải đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định, mà là cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, các vụ, cục với toàn thể nhà giáo. Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung".

Bộ trưởng GD&ĐT: 'Tôi có phần căng thẳng vì đây là lần đầu gặp gần 1 triệu giáo viên" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ngành GD&ĐT đang triển khai những việc rất lớn và rất khó. "Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được".

Hiện Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận trên 6.500 ý kiến, trong đó, có khoảng hơn 6.000 ý kiến của giáo viên phổ thông, còn lại là ý kiến từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để giải đáp hết các ý kiến, tâm tư trên của giáo viên sẽ mất vài ngày, thậm chí vài tuần. Trong thời gian có hạn của buổi gặp gỡ, Bộ trưởng sẽ trao đổi với đại diện một số giáo viên ở các tỉnh thành, thông qua đó phần nào thấu hiểu được các tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. "Sau buổi đối thoại hôm nay, các vụ, cục sẽ tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính trong thời gian tới về mức lương của giáo viên

Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, qua tổng hợp các ý kiến giáo viên và qua rà soát khối mầm non, phổ thông, có một số vấn đề chung.

Đối với nhóm nội dung phản ánh về chế độ, chính sách, có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là những người đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Một số ý kiến quan tâm đến tiền lương sau khi hoàn thành đào tạo trình độ đại học, xếp lương theo vị trí việc làm...

Các ý kiến cho rằng hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp. Từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề, và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác.

Thực tế, nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống. Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ giáo viên thì số lượng thầy cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng. Các giáo viên đều mong muốn có giải pháp để giúp nâng cao hơn thu nhập, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học.

Về chính sách đối với giáo viên mầm non, một cô giáo ở tỉnh Điện Biên cho hay: "Theo quy định là 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế chúng tôi đang phải làm việc 10 tiếng/ngày". Cô giáo cũng nói đến những khó khăn khi đi dạy tại các điểm trường lẻ, nhiều điểm trường ở rất xa trung tâm, tuy nhiên chưa có kinh phí hỗ trợ việc đi lại. Bên cạnh đó, hiện nay tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đang được xác định như những ngành nghề khác. "Chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu trên 50 tuổi của giáo viên mầm non là không phù hợp cần được xem xét" - giáo viên này nói.

Bộ trưởng GD&ĐT: 'Tôi có phần căng thẳng vì đây là lần đầu gặp gần 1 triệu giáo viên" - Ảnh 2.

Cuộc gặp của Bộ trưởng GD&ĐT với các giáo viên được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên cả nước.

Bộ GD&ĐT cho biết, các ý kiến này cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Qua đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo viên mầm non là một công việc lao động nặng nhọc, nhưng hiện nay Chính phủ đã có những chính sách quan tâm thầy cô, ưu tiên ngoài lương có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp theo thâm niên, trợ cấp đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên mức lương giáo viên hiện nay vẫn chưa tương xứng.

Về chính sách trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ lưu ý việc bù đắp thù lao cho những giờ làm việc ngoài giờ của giáo viên mầm non. "Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường, kiến nghị về mặt chính sách để mức lương của giáo viên được cải thiện. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không tự quyết được vấn đề tiền lương, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính trong thời gian tới. Bước đầu, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có thống nhất dự kiến tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học thêm 5%. Con số tuy nhỏ nhưng cũng là sự động viên với giáo viên. Ngành giáo dục, số công chức, viên chức lớn, chiếm hơn 70% công chức, viên chức cả nước. Do đó, dù một điều chỉnh nhỏ cũng phải tính toán kỹ lưỡng, hợp lý".

Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: "Mong cấp trên quyết định sớm để chúng tôi yên tâm giảng dạy'Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: 'Mong cấp trên quyết định sớm để chúng tôi yên tâm giảng dạy"

SKĐS - Sau khi đại diện Sở Nội vụ Hà Nội thông tin dự kiến tháng 10 sẽ xây dựng đề án về việc thi hay xét thăng hạng, nhiều giáo viên cho rằng việc lo ôn thi trong mấy tháng này sẽ ảnh hưởng đến tập trung nghiên cứu SGK mới, xây dựng bài giảng… khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn