Bộ GD&ĐT vừa có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo báo cáo của Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, năm 2023, thành phố có hơn 97.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó 85.452 thí sinh THPT; 9.194 thí sinh GDTX và 2.791 thí sinh tự do.
Xét theo tổ hợp thi, đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên, môn Vật Lý có 47.039 thí sinh, môn Hóa học có 47.33 thí sinh, môn Sinh học có 46.953 thí sinh. Đối với tổ hợp Khoa học xã hội, môn Lịch sử có 36.754 thí sinh, môn Địa lý có 36.573 thí sinh, môn GDCD có 29.083 thí sinh.
Làm thi không sáng tạo, bám sát đúng quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, toàn thành phố có 156 điểm thi, trong đó có 71 điểm thi có thí sinh tự do, 85 điểm thi không có thí sinh tự do. Mỗi quận huyện bố trí thêm 3 điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi cũng bố trí từ 1- 3 phòng thi dự phòng tùy thuộc vào số lượng thí sinh dự thi.
Để phục vụ kỳ thi, TP.HCM huy động 790 lãnh đạo điểm thi; 11.280 cán bộ coi thi; 2.370 nhân viên phục vụ điểm thi; 474 công an trực tại điểm thi; 92 người ở ban in sao đề thi và 204 người ở ban vận chuyển và bàn giao đề thi.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, điểm in sao đề và điểm chấm thi được tổ chức nghiêm ngặt, đảm bảo yêu cầu an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Điểm chấm thi, thành phố đã bố trí ở một trường phổ thông đủ lớn. Khâu làm phách được chia làm 2 vòng tách lập, có camera giám sát 24/24.
"Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, T.PHCM có kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là kỳ thi lớn, tương đương kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thành phố đã áp dụng nhiều quy chế thi tương đương để thầy cô giám thị làm quen.
Tới đây, Sở GD&ĐT T.PHCM sẽ tổ chức tập huấn cho toàn bộ trưởng điểm thi, cán bộ coi thi đảm bảo đội ngũ nắm vững quy chế, không để xảy ra sơ suất trong quá trình làm nhiệm vụ. Toàn bộ các khâu coi thi, chấm thi đều được quán triệt tinh thần thực hiện nghiêm túc, không sáng tạo, bám sát quy chế".
Hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hàng năm ngành Giáo dục có nhiều kỳ thi, riêng Kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô, tính chất quan trọng, diễn ra đồng thời cùng thời điểm trên toàn quốc. Do đó, làm thật tốt các khâu trở thành yêu cầu rất cao đối với cả hệ thống từ Ban chỉ đạo quốc gia đến các Ban Chỉ đạo tác nghiệp các địa phương.
Với số lượng thí sinh dự thi, điểm thi lớn, khối lượng công việc nhiều, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo thi TP.HCM lưu ý đặc biệt cho khâu tập huấn đối với cán bộ làm thi.
Về chuẩn bị cơ sở vật chất cho điểm thi, ông Sơn lưu ý tới việc chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, quạt, đảm bảo thông thoáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, khoảng cách nơi để đồ dùng của học sinh… theo đúng quy định.
Riêng với công tác in sao đề thi, lấy ví dụ về trường hợp in mờ đề thi xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới đây của thành phố Hà Nội, ông Sơn yêu cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị tốt. "Máy móc chuẩn bị chu đáo, kết hợp với con người cẩn trọng kiểm tra mới yên tâm được".
Chỉ còn một vài tuần nữa là đến kỳ thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo thi thành phố lưu ý các nhà trường tận dụng thời gian còn lại để hỗ trợ cho học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có học lực chưa thật yên tâm, ôn luyện để các em thi tốt nhất, bởi lứa học sinh dự thi năm nay là những em chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Liên quan tới công tác y tế và công tác an ninh, an toàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý: "Mặc dù đã trong trạng thái mới, những vẫn phải đề cao những biện pháp phòng chống dịch bệnh, dự phòng các tình huống phát sinh và lưu tâm tới sức khoẻ cho cả cán bộ làm thi và học sinh".