Bộ trưởng GD-ĐT cho biết việc giảm tải sẽ được chú trọng trong chương trình, sách giáo khoa mới.
Bên hành lang Quốc hội, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận xung quanh việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
- Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này chưa thể hiện được tính kế thừa, vì bố mẹ, anh chị không thể dạy cho con, em mình. Bộ trưởng có suy nghĩ về nhận định này?
Sắp tới, cách dạy học phát triển năng lực sẽ khác cách truyền thụ một chiều như từ trước tới nay. Vì vậy tới đây cách dạy, học và thi đều khác. Các thầy cô giáo, học sinh phải làm quen rất nhiều. Phụ huynh cũng phải học tập làm quen với những thay đổi đó.
- Đề án đổi mới mới chương trình, sách giáo khoa chỉ nhấn mạnh đến chuyển dạy và học từ lý thuyết sang thực hành nhiều hơn mà chưa thể hiện được việc giảm tải chương trình?
Đề án lần này tích hợp mạnh ở các cấp học dưới, tức là lựa chọn những kiến thức quan trọng để lấy phần lõi. Đó chính là giảm tải. Còn phân hóa cao ở cấp học trên. Đó chính là hồn cốt của sự giảm tải. Trước đây, dư luận xã hội luôn kêu là chương trình nặng, quá tải, hàn lâm dẫn tới việc khuyến khích việc dạy thêm học thêm. Tất cả những vấn đề này chúng tôi đã biết và quyết định phải thay đổi điều đó trong lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này.
- Bộ GD-ĐT có bị áp lực của dư luận khiến kinh phí làm đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa từ 34.000 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 800 tỷ đồng như đề án mà Chính phủ vừa trình Quốc hội?
Đề án lần này tích hợp mạnh ở các cấp học dưới, tức là lựa chọn những kiến thức quan trọng để lấy phần lõi. Đó chính là giảm tải
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Chúng tôi không chịu áp lực gì. Chúng tôi cần tính đúng, tính đủ, tính hết kinh phí để thưc hiện.
Đây là việc hết sức nghiêm túc. Bộ GD-ĐT làm rồi đưa sang Bộ Tài chính để thẩm định, lấy ý kiến của Ủy ban quốc gia về đổi mới GD-ĐT, Hội đồng phát triển nhân lực quốc gia, Chính phủ thảo luận. Đây không phải là việc cá nhân. Tất nhiên kinh phí đề án không đúng đến từng đồng được, nhưng những nội dung chính thì đã được tính và tính theo định mức hiện nay.
Tôi biết là với con số gần 800 tỷ đồng này và con số 34.000 tỷ đồng trước kia có sự chênh lệch và mọi người đang “soi”. Nhưng chúng ta phải chú ý đến nội dung công việc mà chúng tôi đưa ra tương ứng với số kinh phí. Nếu nói đổi mới cả nền giáo dục mà chỉ với từng đó số tiền thì cũng không chính xác, vì còn nhiều nội dung khác nữa.
- Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần có học tập kinh nghiệm của thế giới không, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của thế giới rất nhiều. Chúng tôi đã tham khảo khoảng 40 chương trình, sách giáo khoa của các nước. Ở trong khu vực, chúng tôi có học hỏi kinh nghiệm làm chương trình, sách giáo khoa của Hàn Quốc, Malaysia. Đó là những nước có nhiều nét phù hợp với chúng ta. Trên thế giới, chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của các nước Anh, Pháp, Mỹ… Nói chung, trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này, chúng tôi có tham khảo kinh nghiệm của các nước ở những châu lục khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên học hỏi kinh nghiệm của những nước trong khu vực.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VTC