Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không quá tải thì sao phải mãi lộ?

17-04-2014 20:46 | Thời sự
google news

Bộ trưởng Đinh La Thăng không chấp nhận lý do tăng giá cước vận tải để mãi lộ lực lượng chức năng xử lý xe quá tải.

Bộ trưởng Đinh La Thăng không chấp nhận lý do tăng giá cước vận tải để mãi lộ lực lượng chức năng xử lý xe quá tải.

Từ ngày 1/4, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các địa phương trong cả nước đã giao ngành Công an phối hợp chặt chẽ với ngành GTVT đồng loạt triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe nhằm chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, mục tiêu giảm dần, tiến tới là chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ gây vấn nạn cho đời sống kinh tế - xã hội, áp lực cho hạ tầng giao thông.

Đây được xem như một chủ trương đúng đắn của Chính phủ cũng như của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát tải trọng xe. Việc làm này sẽ đem lại lợi ích lớn cho xã hội trong đó cấp bách là bảo vệ hạ tầng giao thông, kết cấu cầu đường, đồng thời góp phần phân bổ lại luồng vận tải hàng hóa hợp lý giữa các ngành vận tải với nhau, qua đó từng lĩnh vực vận tải sẽ tận dụng được hết các ưu thế của mình.

Theo kết quả bước đầu, tính đến ngày 15/4, sau hai tuần triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe, đã có 52/63 địa phương triển khai thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 10.979 xe, trong đó phát hiện và xử lý 2.132 xe vi phạm.

Công tác kiểm tra tải trọng xe sẽ được làm thường xuyên, liên tục. (Ảnh: baolamdong.vn)

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe, đã có xuất hiện các tình trạng xe quá tải dừng đỗ hai phía trạm cân, phương tiện đi đường vòng tránh né trạm cân tải trọng của các lực lượng chức năng. Ở nhiều nơi, lực lượng chức năng chỉ xử lý xe quá tải mắc lỗi dừng đỗ rồi cho đi, không xử phạt vi phạm quá tải.

Bên cạnh đó, có tình trạng một số doanh nghiệp vận tải, chủ xe tạm dừng hoạt động để nghe ngóng tình hình kiểm tra tải trọng của cơ quan chức năng trong những ngày tiếp theo để phá hợp đồng vận chuyển đã kí trước đó rồi ép giá cước…

Tải trọng giảm thì cước vận tải phải giảm

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng, với những kết quả tích cực đạt được sau hai tuần kiểm tra tải trọng xe đã cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, được sự đồng tình, tham gia và hưởng ứng của các cấp các ngành, các địa phương. Việc thực hiện tốt chủ trương này sẽ góp phần tái cơ cấu lại các lĩnh vực kinh doanh vận tải, giá cước vận tải đường bộ sẽ chắc chắn giảm xuống.

“Chấn chỉnh việc chở hàng hóa quá tải trọng ngoài việc bảo vệ hạ tầng giao thông còn đưa lĩnh vực kinh doanh vận tải trở về đúng với giá trị thật, có tính cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường. Hiện nay, khi phần lớn các doanh nghiệp có phương tiện chở quả tải thì các doanh nghiệp khác thực hiện đúng tải trọng sẽ không thể cạnh tranh được về giá cước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vận tải đưa ra lý do tăng cước vì chở quá tải cũng chỉ là nhằm gây sức ép cho khách hàng”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Đồng tình với chủ trương này, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, giá cước vận tải hiện nay là giá cước ảo, không đúng với giá trị thật của nó. Cụ thể như không thể có ở đâu cước vận tải đường bộ lại rẻ hơn đường sắt và đường thủy như ở Việt Nam. Nguyên nhân của giá cước vận tải đường bộ rẻ hơn các các lĩnh vực vận tải khác chính là việc các doanh nghiệp vận tải đường bộ lợi dụng được việc phương tiện chở quá tải.

“Hiệp hội mong muốn Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương chấn chỉnh và siết chặt công tác này để dịch vụ vận tải trở về đúng với giá trị thật, đúng với mặt bằng hoạt động vận tải hiện nay, bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh, từ đó chi phí vận tải đường bộ cũng sẽ giảm xuống”, ông Thanh nhấn mạnh.

Kiểm tra tải trọng sẽ thường xuyên, liên tục

Theo đánh giá của các địa phương, để siết chặt được công tác quản lý tải trọng, đưa hoạt động vận tải trở về với đúng năng lực cũng như giá thành, việc quản lý kiểm tra tải trọng phải được thực hiện liên tục các giờ trong ngày, các ngày trong tuần rộng khắp trên tất cả các địa phương. Song song với đó cần tiến hành ban hành cơ chế chính sách quản lý tải trọng ngay từ khi xếp hàng hóa, có cơ chế xử lý mạnh chủ hàng, chủ phương tiện chở quả tải.

Ông Thân Văn Thanh kiến nghị, biện pháp xử lý, ngăn chặn hiện tượng cấu kết né tránh trạm cân của các xe quá tải hơn lúc nào hết cần sự kiểm tra kiểm soát, tuần lưu của các lực lượng liên ngành phát hiện kịp thời.

“Hiệp hội vận tải Việt Nam có trách nhiệm vận động các hội viên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến việc chở quá tải, thực hiện đúng ưu thế của ngành vận tải đường bộ trong phạm vi hoạt động của mình. Hiệp hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền cho các doanh nghiệp về chủ trương này. Trên thực tế, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải lành mạnh đều hoàn toàn nhất trí và ủng hộ chủ trương giảm tải phương tiện. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, nhất thời đã có những phản ứng tiêu cực”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, việc quản lý kiểm tra tải trọng xe cần phải được làm thường xuyên, không theo chiến dịch sẽ lập lại trật tự trong công tác vận tải, các ngành vận tải khác từ đó sẽ tùy theo ưu thế của mình để phát huy khả năng, cùng tạo ra thị trường vận tải phong phú, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiến hành xử lí triệt để việc phương tiện chở quá khổ quá tải, coi đây là hoạt động diễn ra bình thường, thường xuyên liên tục không chỉ áp dụng trong từng thời điểm. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao công tác chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người thực thi công vụ - đây là yếu tố hết sức quan trọng nhằm tránh tiêu cực, làm tốt công tác kiểm tra tải trọng xe.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nắm tình hình, xử lý triệt để hiện tượng “cò” làm luật qua các trạm cân kiểm tra kiểm soát. Việc xử phạt phải được tiến hành đối với các chủ phương tiện vận tải, hạn chế việc quá tải ngay tận gốc, ngay từ đầu bằng công tác cân, sắp xếp hàng hóa tại cảng, đầu mối trung chuyển.

Bộ trưởng Thăng lưu ý đến các trường hợp xe vận tải hàng hóa nông sản, thực phẩm của nông dân, khi vi phạm chở quá tải, lực lượng chức năng chỉ yêu cầu phạt và cho đi không yêu cầu hạ tải trong thời gian này.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng lưu ý Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thực hiện tốt công tác đăng kí đăng kiểm, siết chặt quản lý tải trọng phương tiện. “Cục Đăng kiểm phải làm nghiêm nhằm ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải lưu hành. Cán bộ, kĩ sư, kiểm định viên không thể không phát hiện xe quá tải. Bộ cũng sẽ trình với Thủ tướng Chính phủ chấm dứt hoàn toàn việc lưu hành xe quá tải, đồng thời có lộ trình xử lý các xe trước đây được phép quá tải”, Bộ trưởng Thăng cho biết./.

 


Ý kiến của bạn