‘Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý’

06-06-2023 11:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhấn mạnh liên quan đến vấn đề thu sai BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm “chúng ta đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý theo quy định”.

Sáng 6/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Người chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung.

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐBQH Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nói: do dịch COVID-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ có nên thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý - Ảnh 1.

ĐBQH Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Khái quát về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, diễn biến căng thẳng về việc này bắt đầu từ năm 2022. Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, theo Bộ trưởng, chỉ là một giải pháp. Còn việc để ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động.

"Việc lập quỹ, nếu có, với quy mô tác động lớn như thế này phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

ĐBQH Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chất vấn theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng bảo hiểm đến năm 2022 là 8.560 tỉ đồng, chiếm 2,69%, như Bộ trưởng đã nêu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để thu hồi toàn bộ số tiền nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH và tuyên bố phá sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Trần Quốc Quân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số chậm đóng khoảng hơn 3 nghìn tỉ đồng. Số người bị ảnh hưởng do chậm đóng đều được kết nối để giải quyết chính sách theo đúng quy định.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sửa luật, quy định hành vi để xử phạt nghiêm minh. Thời gian tới các cơ quan sẽ tăng cường kiểm tra tuy nhiên, điều lo ngại nhất là việc trốn đóng BHXH.

Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang về việc giải quyết vấn đề thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc đối chủ hộ kinh doanh cá thể, giờ lại bị "treo" lương hưu khiến dư luận bức xúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong báo cáo của Ban Dân nguyện của UBTVQH nêu rõ, thời gian vừa qua, cơ quan BHXH có thu sai tỷ lệ không nhỏ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý - Ảnh 3.

ĐBQH Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Theo Bộ trưởng, đây không phải đối tượng thuộc diện quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai bảo hiểm xã hội đã diễn ra từ năm 2003 đến 2016. Bộ LĐ-TB&XH đã phát hiện, chấn chỉnh. Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã kết thúc 8 đoàn kiểm tra về vấn đề này. Đồng thời Bộ LĐ-TB&XH cũng đang tiến hành sửa Luật BHXH.

Theo Bộ trưởng, xử lý vấn đề thu sai BHXH là nội dung chưa quy định trong pháp luật hiện hành, vì vậy cần đánh giá cụ thể. Tuy nhiên quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là: Chúng ta đặt lợi ích người lao động, chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu, cơ quan công quyền làm sai thì cơ quan công quyền phải xin lỗi, xử lý theo quy định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu, cơ quan công quyền sai phải xin lỗi, xử lý - Ảnh 4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chuyển toàn bộ hộ kinh doanh này sang chế độ BHXH bắt buộc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp người nộp BHXH không muốn, không có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trường hợp người lao động đồng ý trả lại quyền lợi, thì phải tính lãi bằng quỹ tăng trưởng hiện nay.

"Quan điểm cá nhân tôi đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu, khuyến khích điều chỉnh chính sách chuyển sang thực hiện BHXH bắt buộc để đảm bảo về già có lương hưu, cuộc sống ổn định", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lý giải thế nào về hơn nửa triệu người mất việc, giãn việc, thiếu việc làm?Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lý giải thế nào về hơn nửa triệu người mất việc, giãn việc, thiếu việc làm?

SKĐS - Sáng nay (6/6), Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các ĐBQH.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn