Hà Nội

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời cử tri về đề xuất BHYT chi trả khi người bệnh mua thuốc, vật tư bên ngoài

07-03-2024 09:28 | Y tế

SKĐS - Trả lời vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến thanh toán chi phí mua thuốc, vật tư bên ngoài, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng quy định cơ chế chi trả với chi phí thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục BHYT chi trả mà người dân phải mua bên ngoài.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có văn bản trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Cao Bằng gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Y tế xem xét ban hành quy định trong trường hợp người bệnh khi phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài bệnh viện (thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm theo chỉ định của bác sĩ), sẽ được quỹ BHYT thanh toán. 

Việc này để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân có thẻ BHYT nhưng khi khám chữa bệnh không được cung ứng do cơ sở khám, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời cử tri về đề xuất BHYT chi trả khi người bệnh mua thuốc, vật tư bên ngoài- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: VPQH

Thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi quỹ BHYT đã tương đối đầy đủ

Về nội dung này, trả lời cử tri, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: các danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT được Bộ Y tế ban hành, quy định tại các Thông tư số 20/2022/TT- BYT; Thông tư số 05/2015/TT-BYT; Thông tư số 04/2021/TT-BYT.

Như vậy, danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT hiện nay đã đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Tuy nhiên để có thuốc, vật tư y tế sẵn có sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện các quy định về mua sắm, lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc theo đúng các quy định pháp luật về đấu thầu.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, hiện nay, việc thực hiện mua sắm còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, cụ thể như việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh còn khó khăn, có nơi còn chưa đúng tiến độ như kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cũng chịu ảnh hưởng và bị gián đoạn nhất định, nhiều nhà sản xuất không đủ nguyên liệu để sản xuất và phân phối các mặt hàng thuốc, vật tư y tế.

Điều này cũng dẫn đến việc tăng giá thuốc, vật tư y tế và tác động đến công tác mua sắm, đấu thầu gặp khó khăn hơn.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế chi trả nếu người dân phải mua ngoài

Để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, trong năm 2023 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư 14/2023 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, như rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung tiến hành rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời cử tri về đề xuất BHYT chi trả khi người bệnh mua thuốc, vật tư bên ngoài- Ảnh 2.

Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT hiện nay đã đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư y tế, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT...

Đặc biệt khẩn trương có những điều chỉnh trong quy định mua sắm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu mới; sửa đổi và bổ sung danh mục, đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc, vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá, đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị liên quan trong việc bảo đảm mua sắm, cung ứng thuốc cho người bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để xây dựng quy định cơ chế chi trả đối với chi phí các loại thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục do BHYT chi trả mà người dân phải mua bên ngoài nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt được nhiều thành công, với hơn 93% người dân tham gia BHYT.

Trong số gần 7% người dân chưa tham gia BHYT hiện nay, phần lớn theo diện tự đóng BHYT hộ gia đình, các đối tượng làm nông nghiệp, diêm nghiệp, chủ hộ tự kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh...

Bộ Tư pháp hiện đã thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Dự kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đưa ra phương án mở rộng thêm phạm vi quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh đối với một số bệnh, đối tượng theo danh mục do Bộ Y tế quy định căn cứ vào khả năng cân đối của Quỹ BHYT và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân...

Vì sao Bộ Y tế không đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động tham gia BHYT?Vì sao Bộ Y tế không đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động tham gia BHYT?

SKĐS - Liên quan đến đề xuất hỗ trợ thân nhân người lao động tham gia BHYT, Bộ Y tế cho rằng dù đây là chính sách nhân văn nhưng thời điểm chưa phù hợp. Vì vậy Bộ Y tế đã không đề xuất phương án này trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHYT sửa đổi.

Thái Bình
Ý kiến của bạn