Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 11/11, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu vấn đề, thời gian qua, các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám, phòng mạch, bác sĩ có yếu tố nước ngoài,... treo bảng hiệu điều trị nhiều loại bệnh, trong đó không ít bác sĩ không có bằng cấp cũng như giấy phép hành nghề.
Đại biểu Hòa đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân của việc cấp phép cho những cơ sở này. Bộ Y tế có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, pháp luật có nhiều quy định liên quan tới các điều cấm trong quá trình triển khai thực hành nghề của đội ngũ y, bác sĩ.
Theo quy định, Bộ Y tế cấp phép hoạt động cho các cơ sở thuộc Bộ Y tế quản lý và cấp phép cho các bệnh viện tư nhân. Từ ngày 1/1/2027, phần cấp phép cho bệnh viện tư nhân sẽ bàn giao cho Sở Y tế các tỉnh. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ cấp phép đối với các đơn vị trực thuộc; địa phương sẽ quản lý và cấp phép cho các loại hình còn lại. Chính vì vậy, khi xảy ra các vụ việc trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mong muốn các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành y tế phải vào cuộc đối với các vi phạm liên quan tới các lĩnh vực này.
Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình triển khai, nếu phát hiện sai phạm, sẽ nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các phòng khám, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về giải pháp để mỗi bác sĩ chỉ được cấp một giấy phép hành nghề.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, Luật khám chữa bệnh năm 2023 đã quy định mỗi cán bộ y tế chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Hiện nay, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành việc quản lý cán bộ y tế trên toàn quốc theo quy định mới. Cụ thể, hơn 430.000/600.000 cán bộ y tế đã được cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý.
Tuy nhiên, hệ thống này được xây dựng từ năm 2015 trên cơ sở hệ thống đóng, nên việc cập nhập, quản lý, sử dụng theo đúng tinh thần của Nghị định 96 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Bộ Y tế đang điều chỉnh các nội dung để nâng cấp phần mềm này.
"Trên cơ sở nâng cấp phần mềm này và kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, cũng như hệ thống dịch vụ công trực tuyến của quốc gia và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, thời gian tới Bộ Y tế cũng đang triển khai các giải pháp để có hệ thống thống nhất trên toàn quốc. Khi đó, lãnh đạo các cấp và y tế của các địa phương đều có thể tham khảo và nắm được những thông tin về người hành nghề để quản lý theo đúng quy định", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu thực trạng bác sĩ sau khi được đào tạo theo địa chỉ không công tác theo sự phân công hoặc công tác không đủ thời gian, sẵn sàng bồi hoàn kinh phí để chuyển sang bệnh viện tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi chất vấn: "Một số lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý hành vi này. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp cho thực trạng này là gì?".
Trả lời chất vấn của đại biểu Yến Nhi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết năm 2022, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trở nên nghiêm trọng khi con số lên tới gần 9.000 người. Để giải quyết, Bộ Y tế đã và đang tích cực triển khai các giải pháp, trong đó tập trung vào việc sửa đổi Nghị định 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi và Nghị định về tiền trực, chế độ nhân viên y tế thôn bản. Các địa phương cũng đang ráo riết đánh giá tình hình sử dụng nhân viên y tế công lập.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, nhân viên y tế công lập đang chiếm tới 95% lực lượng phục vụ người dân, đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách phù hợp và giải pháp hiệu quả, việc thu hút và giữ chân nhân viên y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng "chảy máu nhân tài" sang các cơ sở y tế tư nhân.