Như tin đã đưa, ngày 21/4, tại Hà Nội diễn ra Cuộc họp Nhóm đối tác y tế năm 2023. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp.
Đồng hành với Bộ Y tế trong từng hành trình để xây dựng một hệ thống y tế bền vững
Bày tỏ vui mừng khi thấy rất nhiều đồng nghiệp của Bộ Y tế và các đối tác phát triển đa phương và song phương có mặt tại cuộc họp, bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh: Sự hiện diện của các đại biểu thể hiện tầm quan trọng của y tế và cam kết của các đối tác trong việc đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình phát triển y tế.
Bà Angela Pratt bày tỏ: "Câu chuyện về y tế ở Việt Nam trong những thập kỷ gần đây là một câu chuyện về những tiến bộ đáng kinh ngạc. Đầu những năm 1960, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam chỉ là 60 tuổi. Ngược lại, một em bé sinh ra ở Việt Nam ngày nay có thể sống ít nhất 75 năm - nhờ những tiến bộ trong sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sự giảm bớt đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine, cải thiện dịch vụ y tế và tiến bộ trong việc giảm nghèo."
Trưởng Đại diện của WHO tại Việt Nam cũng nêu rõ trong ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã cho thế giới biết sức khỏe tốt có thể mong manh như thế nào, đặc biệt là nếu không có các hệ thống và chính sách mạnh mẽ để bảo vệ và duy trì.
Bà cho rằng Việt Nam hoàn toàn nên rất tự hào về phản ứng mạnh mẽ của mình đối với COVID-19, điều này thể hiện năng lực mạnh mẽ của đất nước trong việc quản lý các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm mới nổi. Điều này cũng nhấn mạnh khả năng của Việt Nam trong việc thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong việc giúp đảm bảo tuân thủ các biện pháp y tế công cộng và xã hội khi cần thiết.
"Và tất nhiên, việc triển khai vaccine cực kỳ ấn tượng của Việt Nam - được hỗ trợ bởi nhiều đối tác có mặt tại đây hôm nay - là một trong những câu chuyện thành công rực rỡ của ứng phó hiệu quả"- bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Tại cuộc họp sau phần trình bày của đại diện một số cục/vụ của Bộ Y tế, đã có 19 ý kiến tham tham luận, trao đổi của các vị Đại sứ, đại diện nhiều cơ quan/tổ chức hợp tác song phương và đa phương, các ngân hàng phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam về những vấn đề quan tâm liên quan đến lĩnh vực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, già hóa dân số, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêm chủng vaccine phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em...
Hầu hết các ý kiến đều nhấn mạnh và đánh giá cao, chúc mừng thành công của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong thực hiện chiến dịch tiêm vaccine COVID-19. Cùng đó nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra những 'điểm nghẽn', những khó khăn hiện hữu liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và đưa ra những khuyến nghị cho ngành y tế.
Qua trao đổi, thảo luận, Đại sứ nhiều nước, đại diện nhiều cơ quan/tổ chức hợp tác song phương và đa phương, các ngân hàng phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam đều bày tỏ cam kết tiếp tục đồng hành, hợp tác với ngành y tế Việt Nam để cùng mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Sự tương đồng, thống nhất trong việc xác định những vấn đề ưu tiên của ngành y tế
Lắng nghe ý kiến các đại biểu, người đứng đầu ngành y tế trong phát biểu bế mạc cuộc họp đã bày tỏ lời cảm ơn trân trọng và đánh giá cao sự nhiệt tình trách nhiệm của các bạn bè quốc tế với ngành y tế Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng các ý kiến tham luận, trao đổi hay khuyến nghị của các đại biểu đều có sự tương đồng, thống nhất với Bộ Y tế trong việc xác định những vấn đề ưu tiên, bao gồm:
Thứ nhất, tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chiến lược, các chính sách quy chuẩn, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật về y tế… Trước mắt, ngoài việc tập trung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng, thiết kế các nội dung sửa đổi của Luật BHYT sửa đổi; Luật Dược sửa đổi và một số dự Luật khác như Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dân số…
Cùng đó Bộ Y tế đang tập trung xây dựng 3 chiến lược lớn của ngành, bao gồm: Chiến lược về chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dược và Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế từ nay đến năm 2050.
"Muốn hệ thống phát triển một cách bền vững, minh bạch và hiệu quả thì việc liên quan đến hoàn thiện thể chế là ưu tiên hàng đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung này, Bộ Y tế mong các đối tác quan tâm, đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ ngành y tế"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam chia sẻ, trao đổi, tham luận tại cuộc họp.
Thứ hai, xây dựng chính sách về y tế cơ sở và y tế dự phòng để tạo điều kiện cho y tế cơ sở và y tế dự phòng phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và phòng chống dịch bệnh chủ động hơn trong thời gian tới;
Thứ ba, liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của nhóm đặc thù như: già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em, bà mẹ mang thai, sức khỏe nghề nghiệp, y tế học đường, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, bệnh nghề nghiệp... hiện đang đặt ra nhiều thách thức với ngành y tế;
Thứ tư, liên quan đến năng lực của hệ thống khám chữa bệnh và những yếu tố để đảm bảo cho hệ thống khám chữa bệnh có đủ điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ như: Nâng cao năng lực của hệ thống khám chữa bệnh, gói dịch vụ y tế cơ bản, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, BHYT, bệnh không lây nhiễm, kháng kháng sinh, khám chữa bệnh từ xa, y học gia đình…
Thứ năm, liên quan đến năng lực của hệ thống y tế Việt Nam như: Vấn đề nhân lực, đào tạo, năng lực hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới, tài chính của hệ thống y tế, phương thức chi trả, truyền thông vận động chính sách, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế…
"Trên cơ sở những vấn đề này, sau cuộc họp hôm nay, Bộ Y tế sẽ chia thành các nhóm tiếp theo, sâu hơn. Cùng đó, chúng ta cũng đánh giá lại hiệu quả những việc đã làm, tính bền vững của các hỗ trợ, hợp tác đã triển khai thời gian qua, cũng như những đề xuất trong thời gian tới. Bộ Y tế sẽ tổ chức các cuộc họp chuyên đề phù hợp. Chúng tôi mong các đối tác tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Với tinh thần hợp tác đối tác, Bộ Y tế hy vọng Nhóm Đối tác y tế sẽ tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn đối thoại giúp tăng cường hơn nữa hợp tác đối tác trong y tế bởi có sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các đối tác trong và ngoài nước.
Đồng thời, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ, chia sẻ về kinh nghiệm hay, bài học quý, những đóng góp về kĩ thuật, tài chính cũng như các hợp tác từ phía các đối tác nhằm thực hiện các mục tiêu của ngành trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh y tế khu vực và toàn cầu.