Vẫn còn nhiều tồn tại trong giải quyết thủ tục hành chính
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như hoàn thiện hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, từng bước thiết lập và vận hành nền hành chính phục vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ chưa thực sự nghiêm túc, chưa đạt yêu cầu của Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ, quá thời hạn quy định chưa được khắc phục. Chậm ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính dẫn tới số lượng hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 còn thấp. Việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được triển khai thực hiện ở hầu hết các đơn vị”- Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn nêu thực trạng.
Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là do, lãnh đạo các đơn vị chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng trong việc thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính, chưa chú trọng và đầu tư đúng mức cả về nhân lực và vật lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính;
Trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chú trọng đến việc lấy ý kiến các bên liên quan và thực hiện đánh giá tác động quy định của thủ tục hành chính; Đồng thời, việc thẩm định, thẩm tra nội dung thủ tục hành chính còn mang tính hình thức;
Ngoài ra, các quy định về thủ tục hành chính tại các văn bản còn mang nặng tính thủ công, chưa cụ thể hóa những nội dung ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện theo phương thức trực tuyến; Việc công bố thủ tục hành chính, niêm yết công khai tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính còn chậm làm ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục hành chính;
Cũng theo Bộ Y tế, những hạn chế trên còn do nguyên nhân chưa triển khai áp dụng quy trình theo dõi tình hình giải quyết thủ tục hành chính và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; Các hệ thống dịch vụ công chưa được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị chưa có sự kết nối liên thông và chia sẻ thông tin, dữ liệu...
Để đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị các Vụ/cục/ Văn phòng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế
Quý I/2020 đưa vào hoạt động bộ phận một cửa của Bộ Y tế
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Văn phòng Bộ khẩn trương kiện toàn và tổ chức Bộ phận Một cửa Bộ Y tế để đưa vào hoạt động chậm nhất vào quý I/2020, bảo đảm thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục hành chính;
Cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để UBND các tỉnh/thành phố có cơ sở công bố danh mục, niêm yết công khai thủ tục hành chính thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố;
Theo dõi chặt chẽ và đôn đốc xây dựng, ban hành kịp thời quyết định công bố của các đơn vị chức năng thuộc Bộ; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện niêm yết, công khai thủ tục hành chính tại các đơn vị chức năng thuộc Bộ;
Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa để chính thức khai trương trong tháng 9/2019 và thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 11/2019.
Tăng cường cắt giảm. đơn giản hoá điều kiện kinh doanh
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính. Khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện đúng thời hạn việc xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý đồng thời với xây dựng nội dung văn bản; tổ chức công khai thủ tục hành chính kịp thời theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ Hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.
Phối hợp với Bưu điện Hà Nội tổ chức triển khai có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, bảo đảm tạo thuận lợi và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời thực hiện nghiêm Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đẩy nhanh việc xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đặc biệt các dịch vụ công trực tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại. Thêm vào đó, việc lựa chọn dịch vụ công trực tuyến khác của đơn vị phải bảo đảm các tiêu chí theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông; trong đó chú ý đến tiêu chí về thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ tiếp nhận lớn, ổn định; ưu tiên các dịch vụ công có quy trình nghiệp vụ tương đồng, có thể triển khai đồng thời cùng khi triển khai Hệ thống thông tin một cửa của Bộ. Việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến phải lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng.
Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ và Cục Công nghệ thông tin trong việc tổ chức Bộ phận Một cửa, xây dựng Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế, chuẩn hóa thống nhất quy trình nội bộ giải quyết và công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ...