Thảo luận tại hội trường về việc đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đa số các đại biểu đều đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019. Đánh giá cao sự phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống KT-XH của đất nước. Kết quả lớn nhất đó là việc thực hiện thành công mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Kiểm soát được lạm phát, tiếp tục tăng trưởng GDP. Tạo điều kiện thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Ổn định trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc để chúng ta thực hiện thắng lợi kế hoạch KT-XH của cả nhiệm kỳ... được thể hiện khá đầy đủ với những kết quả rất ấn tượng trong đó có đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục...
Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh:chinhphu.vn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội của đất nước, các đại biểu cũng thẳng thắn và chỉ ra cho thấy những điểm nghẽn, những hạn chế bất cập của nền kinh tế. Đặc biệt cho thấy được khả năng rủi ro của nền kinh tế trong thời gian tới như chất lượng tăng trưởng của chúng ta, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, sức cạnh tranh, cơ cấu lại chưa được cải thiện nhiều và hiệu quả của đầu tư công, phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo chưa được cải thiện nhiều, đời sống của nhân dân và công nhân đang còn nhiều khó khăn. Xử lý về thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đang còn rất nhiều vấn đề...
Cũng tại phiên thảo luận về nội dung trên ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua với nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã có những tiến bộ khá rõ nét. Bộ trưởng cũng đã chỉ ra điểm hạn chế của ngành đó là: Thứ nhất, vấn đề quá tải tại các bệnh viện Trung ương tuyến cuối ở khoa khám bệnh... Nguyên nhân là người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến dưới. Thứ hai, chăm sóc tại bệnh viện chưa toàn diện, 1 người bệnh vào viện thì có đến 3, 4 người nhà đi theo chăm sóc. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó cơ chế tài chính chưa thể đủ chi trả để có đủ chất lượng cán bộ. Thứ ba, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng cán bộ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và không đồng đều giữa các miền.
Một hạn chế nữa là nhân lực, số lượng, chất lượng chưa đảm bảo, chế độ, chính sách cũng còn khó. Mô hình đào tạo hiện nay của ngành y tế phải cố gắng, nếu không thì chưa hội nhập được, mặc dù chất lượng tốt nhưng chưa chuẩn theo quốc tế hiện nay. Đó là những hạn chế cơ bản. Cùng với đó Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp “kiềng ba chân” để phát triển ngành y tế trong thời gian tới.
Chân kiềng thứ nhất là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, bởi nếu bị nặng thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm lâu. Cho nên, ngành y tế đang xây dựng mẫu 26 mô hình điểm giống như mô hình của các nước đang phát triển một cách toàn diện cả con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nhân lực... Trong 5 năm tới chúng ta sẽ có mô hình cơ bản và 20 năm sau sẽ nhân rộng trong toàn quốc. Mỗi chúng ta khi bị ốm, mệt mỏi, bệnh tật phải khám sức khỏe sàng lọc để phát hiện sớm, phải đến trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình đó bằng mọi cơ chế, kể cả kết hợp công tư, kể cả xã hội hóa. Bộ trưởng mong rằng Chính phủ sớm phê duyệt hai dự án ODA đang xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, theo tinh thần Nghị quyết 20 là chăm sóc con người khi chưa bị bệnh bằng y tế cơ sở.
Chân kiềng thứ hai đó là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc một cách chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây nhiễm chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh. Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại Việt Nam giống như chất lượng của nước ngoài. Mong muốn một ngày không xa những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài chữa bệnh. Việc này theo Bộ trưởng là trong tầm tay của nền y tế Việt Nam hiện nay, nhưng phải có nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, về giá dịch vụ, về lộ trình, về xã hội hóa, về kết hợp công tư, về các mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay. Nếu chúng ta không đẩy mạnh bảo hiểm tư nhân mạnh mẽ và bổ sung thì không thể nào chi trả được với bảo hiểm xã hội mệnh giá thấp.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chân kiềng thứ ba không thể không có đó là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học, đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. 6 năm ra trường phải học thêm 1 năm nữa là internhip, tức là phải thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề, với đánh giá của Hội đồng Giáo dục quốc gia độc lập, sau đó học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề, như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế. Đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu, còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ.