Sáng 18/7, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đánh giá, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực; đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn; nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.
Tại Việt Nam, đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số mắc liên tục gia tăng do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây, nhiều người đã di chuyển đi/đến TP Hồ Chí Minh trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đợt dịch lần này, Việt Nam sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều, tăng thêm 10 triệu test, so với đợt dịch trước là 2 triệu test. Ảnh:Đình Nam
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.
Ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất điều trị bệnh nhân nặng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế: Hiện ngành y tế đang chuẩn bị tích cực, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Liên quan đến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã trao đổi với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19.
“Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị vật tư, y tế, những nhân lực tinh túy nhất để đưa về bệnh viện này, tối ưu hóa điều trị các trường hợp thở máy trên toàn thành phố, quyết giữ cho bằng được mặt trận này”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”.
Tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.
“Đợt dịch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho "kịch bản xấu và xấu hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm…
Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh
"Đợt dịch lần này, Việt Nam sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều, tăng thêm 10 triệu test, so với đợt dịch trước là 2 triệu test. Với kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh vừa qua, lực lượng y tế có thể thực hiện gộp 3-5 với test nhanh cho kết quả tương đương khi làm gộp test PCR"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Để đảm bảo trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính… đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân COVID-19.
“Dù vận động viện được trợ kit test, nhưng nhu cầu thực tế để chống dịch còn rất cao. Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test và máy móc, thiết bị y tế từ các nhà sản xuất nước ngoài, đồng thời tăng cường sản xuất trong nước. Các sinh phẩm xét nghiệm sẽ ngay lập tức được chuyển về các vùng có dịch một cách công khai minh bạch”- Bộ Trưởng Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trước diễn biến dịch căng thẳng ở TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Đồng thời, Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.
"Bộ Y tế giao kho trang thiết bị này cho Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (hiện cũng là Giám đốc của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh) để có thể chủ động phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và các địa phương trong khu vực.
TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam số ca mắc COVID-19 liên tục gia tăng
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 29.081 ca mắc, tăng 8.904 ca so với tuần trước đó, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày.
TP Hồ Chí Minh có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 45 chuỗi/ổ dịch ổn định và 27 ổ dịch đang diễn biến (6 chợ, 11 khu dân cư, 10 công ty, khu công nghiệp), trong đó phát hiện thêm 01 chuỗi lây nhiễm mới tại chợ Cầu Muối quận 1 có liên quan đến chợ đầu mối Thủ Đức, phát hiện từ hoạt động tầm soát cộng đồng.
Tỉnh Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc, tăng 315 ca so với tuần trước đó, trong 7 ngày gần đây số ca mắc trung bình khoảng 140 ca mắc/ngày. Số ca mắc vẫn ở mức cao, tăng ở các địa phương Thuận An, Dĩ An và có dấu hiệu lan ra các địa phương phía Bắc như Bàu Bàng, Dầu Tiếng.
Có 9 chuỗi lây nhiễm với 11 ổ dịch liên quan đến TP. Hồ Chí Minh và 7 ổ dịch được phát hiện qua giám sát cộng đồng. Trong 9 chuỗi lây nhiễm nêu trên có 5 chuỗi xảy ra tại các khu công nghiệp, 2 chuỗi liên quan đến các khu nhà trọ. Hiện tại, chuỗi lây nhiễm liên quan đến Công ty Wanek 2, TP. Thủ Dầu Một đang có số ca mắc cao với hơn 540 ca mắc.
Tỉnh Long An, ghi nhận 746 ca mắc, tăng 121 ca so với tuần trước đó. Có 29 chuỗi lây nhiễm trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, 12 chuỗi vẫn đang diễn biến. Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc mới trong địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, có sự xuất hiện của các ổ dịch mới. Các ca bệnh ghi nhận chủ yếu là các trường hợp làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, các trường hợp F1 và nằm trong vùng phong tỏa.
Tỉnh Đồng Nai, ghi nhận 757 ca mắc, tăng 432 ca so với tuần trước đó. Có 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm ghi nhận nhiều ca mắc nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến TP. Hồ Chí Minh như: chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.
Ngoài ra, cũng ghi nhận các chuỗi lây nhiễm và ổ dịch mới tại các chợ dân sinh, cơ sở y tế và các khu công nghiệp. Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng, trung bình khoảng 80 ca mắc/ngày. Các ca mắc được phát hiện do có sự lây nhiễm từ các tỉnh lân cận và công dân từ vùng dịch trở về địa phương.
Tỉnh Đồng Tháp, ghi nhận 1.255 ca mắc, tăng 218 ca so với tuần trước đó. Trong 7 ngày gần đây số lượng các ca mắc có xu hướng tăng. Các ca mắc ghi nhận chủ yếu liên quan đến ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Các chùm ca bệnh tại tỉnh Đồng Tháp hiện nay đều đã xác định được nguồn lây.
Tỉnh Khánh Hòa, ghi nhận 467 ca mắc, tăng 128 ca so với tuần trước đó. Ghi nhận ca mắc tại 04 huyện/thành phố với 3 chuỗi lây nhiễm chính. Các ca mắc trên địa bàn tỉnh hầu hết là các F1 được ghi nhận trong khu vực cách ly, phong tỏa hoặc ghi nhận ngoài cộng đồng có liên quan đến chuỗi lây nhiễm trước đó. Trong vòng 7 ngày trở lại đây, số lượng ca mắc ghi nhận trên toàn địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, riêng ngày 17/7 ghi nhận 100 ca mắc.
Tỉnh Tiền Giang, ghi nhận 762 ca mắc, tăng 258 ca so với tuần trước đó. Trong 7 ngày gần đây số ca mắc có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm các chuỗi lây nhiễm mới tại các nhà máy, chợ dân sinh. Các chuỗi lây nhiễm hầu hết chưa rõ nguồn lây và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh thành phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.