Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp của du khách nói trên, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đến các tỉnh mà du khách lưu trú để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Bộ Y tế cũng có chỉ thị gửi tất cả các Sở Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị đẩy mạnh công tác phòng chống virus Zika. Bộ Y tế cùng các Bộ ngành liên quan cũng phối hợp chặt chẽ từ việc kiểm dịch ngay tại biên giới, cửa khẩu, sân bay, phát hiện những ca sốt nghi ngờ đi từ vùng dịch và có biện pháp cách ly an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí
Về nguy cơ lây nhiễm virus Zika do du khách người Úc có thể để lại các vùng mà họ đã đi qua, lưu trú, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết rất có khả năng họ để lại virus ở những vùng đã đi qua, nên một số người dân ở các khu vực đó đã được theo dõi, giám sát trên huyết thanh. Việc quan trọng là chính người dân cũng phải tự đề cao các biện pháp phòng tránh, trong đó chủ yếu là phòng tránh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vì muỗi này ở nước ta rất nhiều, nó đồng thời cũng truyền virus Zika này nên cần đề cao cảnh giác. Có thể thấy, nguy cơ nhiễm virut Zika ở Việt Nam là rất lớn vì các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc, Philippines đã đều đã phát hiện có trường hợp nhiễm virus này, đồng thời, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận sự lưu hành của virus Zika.
Trước đó, Bộ Y tế phát đi thông tin cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo một công dân Australia đã nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam vào ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3. Đến ngày 8/3, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, người này đã đi đến TP HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.