Trưa 28/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế thiết lập tại Bệnh viện Dã chiến số 14 của TP Hồ Chí Minh.
Trung tâm này có quy mô 650 giường, phân theo 3 tầng điều trị khác nhau, vượt dự kiến ban đầu là 500 giường của Bộ trưởng Bộ Y tế giao.
Coi người bệnh như người thân
Đây là lần thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có mặt tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế.
Sự có mặt của người đứng đầu ngành y tế tại các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 do Bộ Y tế thiết lập tại TP Hồ Chí Minh cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Y tế đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Ưu tiên nhân lực tốt nhất, điều trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đầy đủ để các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị người bệnh tốt nhất, nhằm giảm tỷ lệ tử vong" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã vào khu điều hành công tác điều trị, đặt ngay bên cạnh khu điều trị bệnh nhân nặng của Trung tâm.
Báo cáo với Bộ trưởng, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 cho biết, hiện Trung tâm đang điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhân COVID-19, phân thành 3 tầng: Bệnh nhân nặng và nguy kịch; bệnh nhân nặng thoát hồi sức và bệnh nhân chờ xuất viện.
"Tuy nhiên con số này biến động liên tục bởi số lượng bệnh nhân nặng từ các cơ sở điều trị tầng 2 chuyển lên. Lực lượng y bác sĩ luôn sẵn sàng túc trực đêm ngày theo hình thức 3 ca, 4 kíp để luôn theo dõi sát người bệnh" - GS.TS Phạm Như Hiệp nói.
Giám đốc Phạm Như Hiệp cũng chia sẻ, do đặc thù của người bệnh COVID-19, đặc biệt nơi đây lại chỉ điều trị những ca bệnh nặng nên nhân viên y tế sẽ phải đảm đương tối ưu mọi việc từ ăn uống đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của nhiều người bệnh.
"Chúng tôi luôn quán triệt toàn thể y bác sĩ và nhân viên tại Trung tâm coi người bệnh như người thân trong nhà nên không chỉ chăm lo bữa ăn đơn thuần mà còn chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, theo sát diễn biến sức khoẻ của người bệnh" - GS.TS Phạm Như Hiệp nói.
"Mong các y, bác sĩ nỗ lực, vượt qua khó khăn, tất cả vì người bệnh"
Trò chuyện, hỏi thăm hơn chục y bác sĩ và đội ngũ làm công tác hậu cần đang có mặt tại khu vực điều hành, đồng thời gửi lời hỏi thăm đến toàn thể đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long động viên lực lượng y tế tuyến đầu cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.
"Các đồng chí vào đây xa gia đình, điều kiện sinh hoạt không được đầy đủ, nhưng với tinh thần trách nhiệm vì sức khoẻ người dân, vì người bệnh nên mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần tiếp tục nỗ lực vượt qua chính mình để chăm sóc, cứu chữa người bệnh" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắn nhủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả bước đầu của Trung tâm trong thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và cho biết tiếp tục điều phối, phân bổ thuốc, vật tư trang thiết bị cho Trung tâm.
"Cùng với thuốc, trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, sự tận tình, tận tâm của cán bộ y tế góp phần động viên người bệnh yên tâm điều trị, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nặng" - Người đứng đầu ngành y tế chia sẻ.
Nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế đối với mỗi Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh phải vừa tập trung điều trị, vừa làm nhiệm vụ đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho tầng điều trị 2 của TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế phải sắp xếp nhân lực phù hợp để vừa điều trị bệnh nhân tại đây, vừa thành lập các ekip đi hỗ trợ tầng điều trị 2 khi cần.
Đồng thời tiến hành hội chẩn từ xa với các đơn vị được Bộ Y tế phân công phụ trách để kịp thời hỗ trợ chuyển tuyến cho người bệnh nhanh chóng, phù hợp, giảm thiểu tử vong.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế hiện đã có khoảng 450 y, bác sĩ, nhân viên y tế trong đó lực lượng chủ lực là các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó, còn có các y, bác sĩ thuộc Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hoà.
Trước đó, do diễn biến tình hình dịch COVID-19 phức tạp, các bệnh nhân nặng ngày càng nhiều tại TP Hồ Chí Minh, để đồng hành cùng Thành phố trong công tác điều trị, giảm thiểu tử vong, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định điều động nhân lực, trang thiết bị từ các bệnh viện hàng đầu của Bộ Y tế vào thiết lập các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh.
Bao gồm Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y dược TP Hô Chí Minh; Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách.
Đây là tuyến cuối trong mô hình điều trị người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực được phân công.
Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:
Toàn cảnh cuộc huy động gần 14.600 "chiến sĩ áo trắng" của ngành Y giúp miền nam chống dịch COVID-19.