Trước diễn biến phức tạp và gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Hà Nội, cuối giờ chiều ngày 10.8, Bộ Y tế đã tổ chức cuôc họp khẩn về công tác phòng chống dịch. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Lãnh đạo Cục Y tế Bộ Công an, Cục Quân y của Bộ Quốc Phòng. Các viện đầu ngành về dịch tễ của Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và lãnh đạo tất cả các BV trực thuộc, lãnh đạo các Trung tâm y tế dự phòng của Hà Nội.
Hơn 80.000 ca mắc và 22 trường hợp tử vong
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu ở phía Nam. Riêng tại miền Bắc một số tỉnh tăng là Hà Nội, Nam Định...
Qua giám sát của các viện đầu ngành cho thấy năm nay số lượng bọ gậy tăng và có hơn 30 tác nhân chứa nguyên nhân gây ra lăng quăng, bọ gậy. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nêu rõ, qua giám sát cho thấy ở tuyến TW, tuyến tỉnh huyện rất sát sao nhưng tuyến cơ sở một số nơi vẫn chưa sâu sát. Nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch, khi qua kiểm tra cho thấy trong khuôn viên nhà ở vẫn còn nhiều tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã rất gay gắt trước tình trạng người dân phải vất vả nằm ghép điều trị SXH
Đối với Hà Nội, báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết,đến thời điểm này Hà Nội đã ghi nhận hơn 13.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc tại Hà Nội tăng dần theo từng tuần. Hà Nội hiện đã lưu hành cả 3 tuýp SXH. Hiện nay Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, hiện có 308 xã phường trong tổng số hơn 584 phường của Hà Nội đã thành lập đội diệt bọ gậy phòng chống SXH. Để phòng chống dịch SXH, Hà Nội đã phun cả hóa chất bằng ô tô và phun nhiều điểm. Hiện Hà Nội có khoảng 150 đội phun hóa chất.
Tại sao số ca mắc SXH của Hà Nội vẫn tăng?
Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Lương Ngọcc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết từ đầu năm đến ngày 21/7 chỉ có gần 1.000 trường hợp sốt xuất huyết vào BV Bệnh Nhiệt đới TW khám, trong đó có 798 ca chiếm 85% là Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ trong 10 ngày từ 21.7- 10.8 đã có 2.027 ca sốt xuất huyết vào BV này, trong đó có 1.766 ca là Hà Nội, trong đó có khoảng 10% nhập viện. Hiện tại ở cơ sở 1 của BV Nhiệt đới có 314 giường bệnh, trong đó khoảng 70% là bệnh nhân SXH. Ngoài ra tại các BV khác như Đống Đa, Thann Nhàn và Hà Đông... số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng.
Cắt ngang lời ông Khuê, Bộ trưởng Bộ Y tế đặt câu hỏi hiện tại số bệnh nhân SXH tại Hà Nội gia tăng và một số bệnh viện quá tải. Vì vậy vấn đề đặt ra làm thế nào để giảm số mắc và số trường hợp tử vong trong khi chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống?
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới TW cho biết, chắc chắn vài tuần nữa khi sinh viên về nhập học thì số ca bệnh sẽ tăng nhanh thêm. Hiện nay có tình trạng nhiều người bệnh mắc SXH nhưng ở cấp độ nhẹ nên chưa nhập viện được. Trước khó khăn của BV về nhân lực với gần 700 giường bệnh nhưng chỉ có gần 300 cán bộ y tế nên rât khoa khăn về nhân lực. Bộ truỏng yêu cầu BV làm đề xuât để tạo điều kiện cho BV được tuyển nhân lực hợp đồng. Đồng quan điểm với đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, ông Kính cũng nêu thực trạng hiện nay trong công tác phòng chống dịch vẫn chỉ có ngành y tế làm là chủ yếu. Do đó cần huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất gay gắt trước thực tế tại sao qua phân tích số bệnh nhân nhập viện so với số giường bệnh của các BV có chuyên khoa truyền nhiễm là tương đương nhau nhưng tại sao vẫn để bệnh nhân nằm ghép? Nằm hành lang vừa gây hoang mang, vất vả cho người dân vừa tạo nên dư luận không cần thiết.
Luân chuyển bệnh nhân, lọc bệnh hợp lý tránh để nằm ghép
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền người dân về phòng chống muỗi đốt, nằm màn và bôi thuốc muỗi. Đồng thời quyết liệt diệt lăng quăng, bọ gậy và phun muỗi. Trong công tác truyền tránh gây hoang mang cho người dân. Đối với người dân khi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Chỉ nhập viện khi bác sĩ chỉ định. Tại cộng đồng khi mắc bệnh cần ăn thức ăn lỏng, uống nước nhiều, đặc biệt là orezol, chườm mát cơ thể. Tránh để mất nước.
Xe phun hóa chất diệt muỗi của Hà Nội hiện mới chỉ có 2 cái và 2 máy phun to, do đó Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội phải tăng lên 20 xe và 20 máy phun to
Về phòng bệnh, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội cần phun muỗi “hạ hỏa” trong nhà, sẵn sàng cung ứng thêm hóa chất, phương tiện để phục vụ Hà Nội phun muỗi. Cần phải tổ chức thành chiến dịch quyết liệt. Phun ở trường học, BV, trạm y tế xã, phòng khám khu vực, và trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng với tần suất 3 lần/ tháng.
Hiện Hà Nội có 2 xe và 2 máy phun hóa chất, Bộ trưởng cho rằng như thế là quá ít do đó cần tăng lên 20 xe và tăng thêm máy phun cỡ lớn. Về nhân lực phun hóa chất và máy phun sương nếu thiếu quá thì huy động các tỉnh. Bộ trưởng yêu cầu ngay trong ngày 11 và 12/8 phải huy động được thêm xe và máy phun to. Bộ trưởng cho biết, sẽ đi kiểm tra việc thực hiện yêu cầu này.
Về công tác điều trị, Bộ trưởng yêu cầu các BV phải nâng cao hiệu quả điều trị hơn nữa, tránh để lây chéo bệnh trong bệnh viện cho bệnh nhân. BV Bệnh Nhiệt đới TW nhanh chóng chuyển bệnh nhân về cơ sở 2. Nếu thiếu xe vận chuyển thì cần thuê xe vận chuyển bệnh nhân. Tránh để bệnh nhân phải nằm ghép, nằm hội trường như thế gây hoang mang và vất vả cho người dân. Trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng đang có bệnh nhân nên các BV không được lơ là.